Phát triển hạ tầng đô thị là nhiệm vụ đã và đang được cả hệ thống chính trị tỉnh Long An đặc biệt quan tâm thực hiện. Mục tiêu của Long An đặt ra là từng bước hoàn chỉnh các tiêu chí về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao chất lượng sống người dân từ vùng biên giới đến khu vực giáp ranh TP.HCM, hướng đến sự phát triển bền vững, là đô thị đáng sống trong tương lai.
Diện mạo mới ở cụm đô thị vùng biên
Từ một địa phương còn nhiều khó khăn, trong 5 năm trở lại đây việc đẩy mạnh chương trình đô thị hóa ở thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An đang kéo khu vực vùng biên sát hơn với thành thị. Hiện thị xã Kiến Tường đã hoàn tất các thủ tục công nhận đô thị loại III. Để hướng tới phát triển thị xã Kiến Tường đạt các tiêu chí đô thị loại II trước năm 2030, chính quyền địa phương đã tập trung phát triển đô thị, nâng cấp, đầu tư các công trình trọng điểm như: Khu trung tâm thương mại biên giới, bờ kè, hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Bình Hiệp, hệ thống đường giao thông và các hệ thống hạ tầng khác...
Sự kết hợp hiệu quả giữa các mục tiêu công nghiệp hóa và các mục tiêu phát triển hậu công nghiệp đã giúp thị xã Kiến Tường khai thác hiệu quả các giá trị sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, tạo cấu trúc đô thị thuận lợi cho việc sử dụng đa chức năng. Qua đó khai thác hiệu quả phát triển không gian du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng với du lịch đô thị phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội.
Ông Trần Văn Bảy, người dân Phường 3, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An phấn khởi nói: "Tôi cảm nhận được là bà con được hưởng lợi rất nhiều, thứ nhất là trường học được khang trang, đầy đủ cho các em học sinh. Thứ hai là đường xá đều đã được tráng nhựa cả đường ra đồng, kể cả đường nội đồng để bà con sản xuất. Khi đường xá thông thương giúp vận chuyển hàng cho đỡ bớt chi phí vận chuyển, tăng lợi nhuận cho bà con. Cũng như mỹ quan đô thị, an ninh trật tự cũng như văn hóa xã hội được nâng cao... bà con rất phấn khởi".
Cũng nằm trên tuyến biên giới huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An những năm gần đây cũng có sự thay đổi ngoạn mục, trở thành “điểm sáng” của vùng biên khi phát huy được nguồn vốn và huy động nguồn lực đầu tư xây dựng để hoàn thiện kết cấu hạ tầng. Vừa qua, huyện Vĩnh Hưng đưa vào sử dụng trên 38 dự án về giao thông, công trình công cộng... sắp xếp, lập lại trật tự đô thị, chợ, khu thương mại – dịch vụ, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng ở tuyến biên giới. Qua đó, từng bước tạo dựng một đô thị ngày càng khang trang, hiện đại, phục vụ tốt nhu cầu đời sống, sinh hoạt và đi lại giao thương của người dân giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho biết: "Hiện nay riêng thị trấn Vĩnh Hưng đã đạt được tiêu chí đô thị loại IV, sắp tới chúng tôi đẩy mạnh phát triển hạ tầng, không gian đô thị để hướng tới đạt đô thị loại III. Trong đó tiếp tục khai thông biên giới để tạo sự phát triển kinh tế biên mậu, kể cả đẩy mạnh phát triển thương mại, du lịch trên biên giới".
Đưa huyện trở thành đô thị vệ tinh của TP.HCM
Các huyện: Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức giáp ranh TP.HCM, đây là lợi thế để các địa phương đẩy mạnh tốc độ xây dựng đô thị. Theo Chủ tịch UBND huyện Cần Giuộc, ông Nguyễn Anh Đức, địa phương đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, mục tiêu đến năm 2025 Cần Giuộc sẽ trở thành đô thị loại III.
Để thực hiện mục tiêu này, huyện Cần Giuộc đã điều chỉnh các đồ án quy hoạch chung toàn địa bàn, cũng như tại các cụm đô thị: thị trấn Cần Giuộc, đô thị mới xã Phước Vĩnh Tây, đô thị mới xã Long Hậu. Từ đó thu hút nhiều dự án đầu tư, nhiều khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư tạo diện mạo mới cho khu vực đô thị của huyện.
Ngay trong năm 2022, địa phương khẩn trương hoàn thành quy hoạch chung đô thị Cần Giuộc và quy chế quản lý kiến trúc đô thị; Chương trình phát triển đô thị. Song song đó, cũng lập đề án đánh giá tiêu chí phường; Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000; Đề án đề nghị công nhận huyện Cần Giuộc đạt tiêu chí đô thị loại III; Đề án thành lập TP. Cần Giuộc và các phường trực thuộc hoàn thành vào năm 2025.
Ông Nguyễn Anh Đức cho biết thêm: "Huyện Cần Giuộc đi sau về phát triển đô thị nên chúng tôi cũng tập trung vấn đề này, lập quy hoạch cho bài bản. Chủ trương của huyện ủy, UBND huyện là sẽ đầu tư quy mô các công trình phù hợp với định hướng phát triển tương lai. Đầu tư những hệ thống giao thông liên xã, cũng như nội bộ xã mặt đường rộng ít nhất là 7m và phải đồng bộ với chiếu sáng, vỉa hè cây xanh kể cả cống thoát nước... để thuận lợi cho quá trình phát triển đô thị"
Long An có diện tích tự nhiên hơn 4.494 km2, dân số trên 1,6 triệu dân, tỷ lệ đô thị hóa đến tháng 10/2021 đạt khoảng 36% (cả nước là 40%). Qua đánh giá của Sở Xây dựng tỉnh Long An, mặc dù trong những năm qua, nhiệm vụ phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả nổi bật nhưng kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, tốc độ phát triển đô thị còn chậm so với các tỉnh lân cận. Bên cạnh đó, chính quyền và các sở ngành có liên quan đang phải tập trung giải quyết những khó khăn, bất cập trong việc phát triển 3 đô thị: Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc trở thành TP vệ tinh của khu Nam TP.HCM.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Long An cho biết: thời gian tới Long An sẽ tập trung điều chỉnh Chương trình phát triển tỉnh đến năm 2030 phù hợp tình hình phát triển đô thị quốc gia được phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và định hướng phát triển 3 khu đô thị vừa nêu. Trong đó, Sở sẽ tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, hỗ trợ phê duyệt các quy hoạch dự án lớn, các dự án khu, cụm công nghiệp mới, các dự án khu dân cư, đô thị. Điều chỉnh, bổ sung thêm cho chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Long An giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Qua đó cũng có những giải pháp quản lý 20% quỹ đất dành phát triển nhà ở xã hội theo quy định hiện hành; kiểm soát thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Ông Hùng nói: "Hiện nay vốn không tập trung riêng cho phát triển đô thị, mà hiện nay ngân sách thì lồng ghép vào những chương trình khác trong đó có chương trình phát triển đô thị. Yếu tố chính để xây dựng đô thị là phải huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách, chúng tôi có những giải pháp làm sao thu hút các nhà đầu tư về với Long An để phát triển các huyện giáp ranh với TP.HCM trên cơ sở định hướng quy hoạch của nhà nước. Đây là yếu tố rất quan trọng để sớm thực hiện được những định hướng đề ra".
Tỉnh Long An đang tập trung đẩy mạnh thực hiện 3 chương trình đột phá, 3 công trình trọng điểm trong đó có việc huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm gắn với định hướng phát triển các đô thị của tỉnh theo hướng đô thị xanh bền vững, đô thị thông minh có tính liên kết với tổng thể chung của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam./.