Tại cuộc họp báo Chính phủ Thường kỳ chiều nay (3/6), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương phối hợp các cơ quan tiếp tục nghiên cứu nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về biểu giá điện để trình thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm nay, khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi.
Trả lời báo chí về việc sửa đổi biểu giá điện, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các năm 2018, 2020 Bộ công thương đã phối hợp với các đơn vị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về biểu giá điện. Tuy nhiên, việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện cho cơ sở lưu trú, du lịch từ giá bán lẻ điện sang kinh doanh sản xuất sẽ làm tăng giá bán cho ngành sản xuất.
Việc sửa đổi biểu giá bán lẻ điện sẽ tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, cuộc sống của người dân đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu sửa đổi quyết định 28 để trình thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định tại thời điểm phù hợp trong năm 2021, khi tình hình dịch Covid-19 đã được kiểm soát và nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, đề không ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, bảo đảm các cân đối lớn, và ổn định kinh tế vĩ mô.
Liên quan đến thông tin Bộ Công Thương đề xuất lập Quỹ bình ổn giá thép, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngày 20/5/2021, Bộ Công thương có Báo cáo chính thức gửi tới lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan liên quan với nội dung đánh giá tình hình cung cầu thép trong nước, trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt kiến nghị, đề xuất để có tác động tích cực tới sự gia tăng giá thép, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, Bộ Công Thương không có đề xuất thành lập Quỹ bình ổn giá thép.
“Chính thức Bộ Công Thương không có đề xuất kiến nghị Quỹ bình ổn thép, mà trong đó đề nghị Hiệp hội thép cũng như các doanh nghiệp sản xuất thép lớn tại Việt Nam rà soát xem xét các vẫn đề liên quan đến nguyên liệu đầu vào tiết giảm chi phí sản xuất nhằm hạ giá thành sản phẩm, để có biện pháp tăng công suất sản xuất thép đáp ứng tối đa nhu cầu trong nước, tăng nguồn cung, giảm được giá thành, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm thép trong nước đang có nhu cầu”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Thông tin về việc chậm thoái vốn tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và một số doanh nghiệp nhà nước, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ 13 đề ra mục tiêu: Tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu những địa bàn quan trọng về quốc phòng an ninh những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư, củng cố phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của ngành kinh tế.
Căn cứ chủ trương của Đảng, hiện Thủ tướng Chính phủ đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước để làm cơ sở cổ phần hóa và thoái vốn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 theo hướng tổng kết giai đoạn trước những gì làm tốt thì tiếp tục phát huy những tồn tại, hạn chế sẽ khắc phục.
“Hiện, Bộ kế hoạch và đầu tư đang nghiên cứu tiêu chí để sắp xếp doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa và thoái vốn, với tinh thần làm sao các doanh nghiệp mạnh hơn, hoạt động hiệu quả hơn”, ông Trần Văn Sơn cho hay./.