Bộ Tư pháp vẫn băn khoăn về tính khả thi của Dự thảo Luật Đầu tư công khi còn nhiều quy định chung chung, giao cho Chính phủ hướng dẫn. Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư rà soát lại quy định trong Dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Cần có những quy định cụ thể ngay trong luật, để luật được ban hành là áp dụng ngay, hạn chế tối đa việc giao lại cho Chính phủ hướng dẫn.

Nhiều năm nay, tình trạng đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp đã nói nhiều, bàn nhiều, phê phán nhiều. Trong khi đó, các quy định về quản lý đầu tư công được đề cập ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, song mâu thuẫn, chồng chéo, không đầy đủ, thiếu cụ thể và sửa đổi chắp vá. Do vậy, việc sớm ban hành một Luật Đầu tư công là yêu cầu cấp thiết khách quan đang đặt ra.

1dautucongvn.jpg

Đầu tư công dàn trải, hiệu quả thấp làm tăng gánh nặng ngân sách và gây bất ổn vĩ mô

“Dư luận quốc tế yêu cầu cần ban hành luật. Chúng ta đã cam kết với quốc tế xây dựng Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ra được luật”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh nhìn nhận.

Dự án Luật Đầu tư công đã được chuẩn bị từ năm 2007, tiếp tục được chuẩn bị trong năm 2010. Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉnh sửa, hoàn chỉnh Dự thảo Luật. Bộ trưởng Vinh cho biết, Dự thảo Luật đã được trình đi trình lại nhiều lần và đến nay đã được tất cả các thành viên Chính phủ thông qua.

Luật quy định từ chủ trương, trình tự đầu tư, đến lúc vận hành, duy tu, bảo dưỡng cũng như hệ thống lại đầy đủ và bổ sung thêm những phần chưa có trong chu trình đầu tư, từ chủ trương tới vận hành, bảo dưỡng.

Thẩm định Dự thảo Luật, Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, Đinh Trung Tụng cho biết, bộ nhất trí với phương án luật quy định về hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư sử dụng vốn Nhà nước không nhằm mục đích thu lợi nhuận. Ông đề nghị bổ sung quy định về “vốn Nhà nước” để làm căn cứ xác định đâu là dự án đầu tư công.

Được đánh giá là dự thảo công phu, nhưng Bộ Tư pháp vẫn băn khoăn về tính khả thi của Dự thảo Luật khi còn nhiều quy định chung chung, giao cho Chính phủ hướng dẫn như: việc nhận quyền kinh doanh, khai thác thu lợi các dự án đầu tư công; quy định về lập và giao kế hoạch, giám sát đánh giá chương trình đầu tư công...

Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư rà soát lại quy định trong Dự thảo Luật để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với thực tiễn. Cần có những quy định cụ thể ngay trong luật, để luật được ban hành là áp dụng ngay, hạn chế tối đa việc giao lại cho Chính phủ hướng dẫn.

Đối với những vấn đề dự kiến thuộc thẩm quyền quy định của Quốc hội như trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư; dự án đầu tư những công trình quan trọng của quốc gia cũng nên quy định luôn trong luật, không nên trình Quốc hội ban hành văn bản riêng.

Để tránh việc phải lập và trình nhiều loại kế hoạch (như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư, kế hoạch chi tiêu...), Dự thảo Luật cũng quy định rõ: Kế hoạch đầu tư công trung hạn được lập cho thời hạn 5 năm, gắn với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư đề xuất phương án quy định các dự án có tỷ lệ tham gia vốn Nhà nước từ 30% trong tổng vốn đầu tư trở lên thì thực hiện quản lý đầu tư theo quy định của luật này. Dự thảo Luật cũng có đề cập đến các dự án đầu tư theo hình thức công - tư (PPP).

Có ý kiến đề nghị quy định áp dụng như dự án dùng nguồn vốn hỗn hợp, nếu vốn Nhà nước hỗ trợ từ 30% trở lên sẽ thực hiện như quy định đối với dự án đầu tư công. Tuy nhiên, bản chất các dự án đầu tư theo hình thức PPP là vì lợi nhuận, nên Nhà nước chỉ quản lý phần hỗ trợ vào dự án.

Về nội dung này, Bộ Tư pháp cho rằng, “nhà đầu tư không phải là Nhà nước thì lợi nhuận luôn là mục tiêu hàng đầu”. Vì vậy trường hợp kết hợp đầu tư bằng vốn Nhà nước và vốn khác thì chỉ với dự án có tỷ lệ tham gia vốn Nhà nước từ 50% trở lên mới thực hiện quản lý đầu tư theo quy định của luật này. Bộ đề nghị cần cân nhắc thêm về tỷ lệ này để tránh gây tình trạng “e ngại” của các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cùng Nhà nước./.