Trong bản báo cáo cập nhật ngành dệt may do Công ty chứng khoán SSI vừa công bố, ước tính kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành sẽ đạt từ 41,5 tỷ USD đến 42 tỷ USD trong năm 2020, tăng  6,4 - 7,7% so với năm 2019. 

Cũng theo SSI, trong năm 2020, Tập đoàn dệt may Việt Nam và các chi nhánh đặt mục tiêu doanh thu 50,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,5%, lợi nhuận trước thuế đạt 1,55 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2019. Hiện tại, nhiều công ty vẫn đang đàm phán cho các đơn hàng đến quý 2/2020.

det_may_qaeq.jpg
Xuất khẩu của ngành dệt may có thể đạt 42 tỷ USD trong năm 2020.

Về những tác động đến hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2020, SSI cho rằng, tăng trưởng xuất khẩu có thể được đẩy nhanh khi các đơn hàng chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam tiếp tục diễn ra, đặc biệt là ở các thị trường mới được hưởng lợi từ CPTPP như Canada và Australia.

Tuy vậy, SSI dự báo, trong năm nay, hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may cũng sẽ phải đối mặt với không ít rủi ro. Trong đó, mức lương tối thiểu tiếp tục tăng khoảng  từ 5,1% đến 5,7% trong năm 2020, với tốc độ tương tự như mức tăng năm 2019. Khi nhiều nhà máy có vốn đầu tư FDI dịch chuyển và thành lập tại Việt Nam, khả năng cạnh tranh về lương sẽ trở nên khốc liệt hơn giữa các công ty trong nước và các công ty có vốn đầu tư FDI, đẩy lạm phát tiền lương cao hơn và ảnh hưởng đến tỷ suất lợi nhuận gộp của các công ty. 

Ngoài ra, chi phí điện và chi phí vận chuyển cũng ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của toàn ngành.

Cùng với đó, ngành dệt may phụ thuộc tới 60% vào nhập khẩu máy móc, nguyên vật liệu và phụ kiện. Với các quy định khó khăn về nguồn gốc từ CPTPP (sợi chuyển tiếp) và EVFTA (vải chuyển tiếp), các công ty may mặc không có chuỗi giá trị tích hợp đầy đủ ở Việt Nam sẽ không nhận thấy tác động ngay lập tức, vì các công ty này phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc./.