Tại buổi họp báo chuyên đề về Dự án Luật thuế tài sản diễn ra chiều nay (13/4), Bộ Tài chính đã trình bày một số nội dung về đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế tài sản. Theo đó, Bộ này dự kiến đề xuất một số phương án đánh thuế đối với việc sở hữu nhà, đất.
Cụ thể, với nhà ở, Bộ Tài chính xây dựng 2 phương án đánh thuế: một là đối với nhà ở có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên; hai là nhà ở có giá trị 1 tỷ đồng trở lên.
Sở hữu nhà trên 700 triệu đồng có thể sẽ phải nộp thuế tài sản |
Ngưỡng không chịu thuế là nhà có giá trị 700 triệu đồng trở xuống hoặc 1 tỷ đồng trở xuống. Điều này có nghĩa, phần bị đánh thuế tài sản là phần có giá trị trên 700 triệu đồng hoặc trên 1 tỷ đồng.
Bộ Tài chính cho rằng, việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị nhằm đảm bảo mục tiêu của thuế tài sản, không điều tiết đối với nhà có giá trị dưới ngưỡng không chịu thuế, điều tiết cao đối với nhà có giá trị lớn, đảm bảo công bằng xã hội (chỉ tính thuế đối với nhà có giá trị vượt ngưỡng không chịu thuế). Việc áp dụng ngưỡng không chịu thuế theo giá trị sẽ phân biệt được các loại nhà khác nhau.
Về các phương án thuế suất, Bộ Tài chính cho biết, theo kinh nghiệm quốc tế, mức thuế suất thuế tài sản thấp nhất là 0,2%. Tuy nhiên, đa số các nước áp dụng mức thuế suất thuế tài sản cao, trong đó, có một số nước trong khu vực như Indonesia 0,5%; Philippines 1% và 2%.
Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: một là áp dụng mức thuế suất tài sản chung là 0,3%; hai là áp dụng mức thuế tài sản chung là 0,4%.
Với phương án đánh thuế nhà 0,3% giá trị, Bộ Tài chính dự kiến số thu thuế tài sản là khoảng 22.700 tỷ đồng (nhà trên 1 tỷ) hoặc khoảng 23.300 tỷ đồng (nhà trên 700 triệu đồng).
Đối với phương án mức thuế suất là 0,4%, thì số thu thuế tài sản là khoảng 30.300 tỷ đồng (nhà 1 tỷ đồng trở lên) hoặc khoảng 31.000 tỷ đồng (nhà 700 triệu đồng trở lên).
Tuy nhiên, Bộ Tài chính đề nghị áp dụng phương án 2, tức là đánh thuế 0,4% với nhà có giá trị từ 700 triệu đồng trở lên. Điều này, theo Bộ Tài chính, là phù hợp với quy định mức thuế suất thuế tài sản của các nước, khai thác tốt nguồn thu từ thuế tài sản, đảm bảo thuế tài sản là nguồn thu ổn định của ngân sách nhà nước, thực hiện mục tiêu cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước.
Không chỉ đánh thuế người có nhà thứ hai trở lên
Lý giải nguyên nhân vì sao không chỉ đánh thuế với nhà thứ 2 trở đi mà đánh thuế ngay căn đầu tiên, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho rằng, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở lên có nhiều nhược điểm.
Thứ nhất là không đảm bảo công bằng, vì sẽ phát sinh trường hợp người chỉ có 1 căn nhà diện tích lớn, giá trị cao nhưng không bị đánh thuế, trong khi người sở hữu 2 căn nhà nhỏ lại bị đánh thuế.
Thứ hai là khó khăn trong thu thuế, chưa phù hợp với điều kiện triển khai tại Việt Nam, cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở. Theo ông Phạm Đình Thi, việc đánh thuế căn nhà thứ 2 được áp dụng tại một vài nước trên thế giới như Singapore, Nhật, Anh, Pháp, nhưng đây đều là những nơi có thị trường bất động sản minh bạch, có hệ thống quản lý nhà ở chặt chẽ. Ở Việt Nam, việc xác định ai sở hữu 2 căn nhà còn phức tạp.
Nguyên nhân thứ 3 là sẽ tác động xấu đến thị trường bất động sản, làm giảm mức hấp dẫn của thị trường, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư trong việc lựa chọn đầu tư đất và các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, ảnh hưởng đến giao dịch bất động sản trên thị trường. Ngoài ra, việc đánh thuế đối với nhà thứ 2 trở lên sẽ tác động đến thị trường nhà cho thuê./.
Đánh thuế tài sản không rõ nguồn gốc của cán bộ liệu có khả thi?
Đề xuất lùi đánh thuế tài sản tại TP HCM đến năm 2020
Mở rộng thu thuế tài sản vì người Việt đang giàu nhanh?