Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 71 ngày 9/11/2010, về thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức công – tư (PPP). Đây là một trong những chính sách quan trọng, tạo hành lang pháp lý cho việc thu hút mạnh mẽ hơn các nguồn vốn đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam. Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 44 của ADB, các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đưa ra nhiều ý kiến, kinh nghiệm để thúc đẩy mô hình hợp tác PPP.

Ưu tiên cho hạ tầng

Thảo luận về PPP tại Hội nghị cấp cao về kinh doanh tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định: “Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và khuyến khích các nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, cả trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư. Việt Nam đặt kỳ vọng thực hiện thành công chính sách đầu tư theo mô hình đối tác công – tư (PPP), qua đó thu hút không chỉ nguồn vốn mà còn là trình độ công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến, hiệu quả của khu vực tư nhân đóng góp cho phát triển kết cấu hạ tầng, dịch vụ công”.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông phân tích rõ hơn: Chúng tôi ưu tiên hơn cho CSHT cứng, nhưng điều này không có nghĩa là các hạ tầng mềm (các vấn đề xã hội) là không quan trọng. Nhưng thời điểm hiện nay, Việt Nam không có đủ năng lực để làm tất cả những việc này một lúc.

du-an.jpg

Tập đoàn Bitexco được Thủ tướng Chính phủ giao lập dự án đầu tư dự án đường cao tốc Dầu Giây-Phan Thiết-với tổng mức kinh phí lên tới 14.355 tỉ đồng

Khi đưa ra những lời khuyên cho các nhà đầu tư, ông Đặng Huy Đông nói: “Nên đầu tư vào những lĩnh vực quá tải, như trường học, bệnh viện, công trình giao thông... Chắc chắn, Chính phủ sẽ ưu tiên những dự án thuận lợi cho các nhà đầu tư tư nhân. Chúng ta phải khuyến khích sự tham gia của tư nhân và phải đảm bảo là những dự án đó khả thi”.

Lấy dẫn chứng về sự sẵn sàng tham gia đầu tư của các doanh nghiệp tư nhân, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết: Hiện nay, Bộ Kế hoạch – Đầu tư đang xây dựng dự án điện tử cho đấu thầu PPP với trị giá khoảng 8 triệu USD. Khi khởi động dự án, một loạt nhà đầu tư tư nhân sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn thế để giúp chúng tôi có một hệ thống dịch vụ công đấu thầu qua mạng”.

Trong vài năm tới, Chính phủ Việt Nam chủ trương thực hiện một số dự án thí điểm để vừa giúp cho sự hình thành thị trường đầy đủ, vừa là cơ hội đúc rút kinh nghiệm, xây dựng năng lực cho cơ quan quản lý, đồng thời hình thành và lựa chọn mô hình tổ chức phù hợp với Việt Nam, làm tiền đề cho việc xây dựng khung pháp lý toàn diện về PPP tại Việt Nam.

Trong thời gian thí điểm, các dự án PPP của Việt Nam sẽ tập trung vào các lĩnh vực kết cấu hạ tầng kỹ thuật trọng yếu có nhu cầu vốn lớn, cần có cơ chế để huy động vốn đầu tư tư nhân (đường bộ, cầu đường bộ, bến phà, đường sắt, cảng hàng không, cảng biển...). “Việc thực hiện thành công mô hình PPP trong giai đoạn thí điểm quan trọng này sẽ là tiền đề để mở rộng mô hình hợp tác PPP sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế” – ông Đặng Huy Đông nói.

Các chính sách cần minh bạch

Theo các chuyên gia kinh tế, đối với các dự án PPP thì yêu cầu minh bạch phải được đặt lên hàng đầu. Các nhà đầu tư tư nhân trong nước và quốc tế phải nhìn rõ được các cơ hội đầu tư, lợi ích thu được từ dự án và việc tiến hành các thủ tục hành chính phải đơn giản, thuận tiện.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Masaaki Shirakawa cho biết: Mô hình hợp tác PPP đã xuất hiện hơn 1 thế kỷ qua ở đất nước của ông. Nhiều công ty tư nhân đã bắt tay vào việc xây dựng đường sắt quanh khu dân cư, bách hóa, công trình dân sinh khác...  Việc thành công trong xây dựng hạ tầng đã thu hút nhiều người dân sử dụng dịch vụ và mong muốn được sống trong khu vực này. Đánh giá một cách khách quan, thì chính phủ Nhật Bản đã tạo nhiều cơ hội để tăng cường PPP, trong đó có việc phòng, chống tham nhũng, minh bạch hóa các thông tin dự án. Đến nay, nhiều công trình dân sinh quan trọng của Nhật Bản đều có sự góp tay của của các nhà đầu tư tư nhân.

Còn ở Việt Nam, “trước đây có những dự án BOT phải mất 4 năm để đàm phán. Đây là điều không thể chấp nhận được với các nhà đầu tư nước ngoài. Họ mất nhiều thời gian, tiền của để điều tra, xác minh” - ông Đặng Huy Đông chia sẻ.

Thông qua PPP, hy vọng cách tiếp cận sẽ nhanh hơn trước rất nhiều. “Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thực hiện chiến lược truyền thông hữu hiệu, tạo sự hiểu biết của công chúng và các bên liên quan trong các chương trình PPP. Khi đó, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với cả các nước khác trong việc lựa chọn đối tác đầu tư tư nhân” – ông Đặng Huy Đông nói.

“Khi thị trường phát triển, các nhà đầu tư sẽ chú trọng đến các dự án dài hơi hơn” – ông J. Harris – Luật sư Công ty Hogan Lovells International LLP Hà Nội đưa ra kinh nghiệm.

Ông Rajat M.Nag – Giám đốc điều hành ADB, mô hình PPP được phát triển rộng rãi trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng... Sau khi các dự án này đã hiệu quả, mô hình hợp tác sẽ chuyển dần sang các lĩnh vực xã hội, môi trường. Ngay từ đầu, chúng ta cũng không nên có quá nhiều tham vọng vào mô hình hợp tác này.

Theo ông Đặng Huy Đông, không có cơ chế chính sách chung cho tất cả dự án PPP mà tùy thuộc vào từng dự án cụ thể để xem xét những chính sách khác của Nhà nước bao gồm: đất đai, thuế, tài chính, chính sách hỗ trợ… “Không thể có cơ chế chung cho tất cả mà chỉ có nguyên tắc chung cho PPP. Đối với từng dự án cụ thể sẽ có chính sách riêng” – ông Huy Đông khẳng định.

Được biết, Chính phủ Việt Nam chủ trương triển khai chương trình PPP theo một danh mục các dự án xác định, tạo nên một thị trường PPP thương mại thực sự tại Việt Nam./.