Sáng nay (3/12), tại Lai Châu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo một số Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai và 12 điểm cầu trực tuyến tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc.
Hiện nay, 17 tỉnh trung du miền núi phía Bắc có tổng diện tích rừng gần 5,8 triệu ha, độ che phủ gần 53% và chiếm gần 40% tổng diện tích rừng toàn quốc; trong đó rừng tự nhiên khoảng hơn 3,9 triệu ha, rừng trồng hơn 1,8 triệu ha.
Những năm qua, ngành công nghiệp chế biến gỗ tại các tỉnh trung du miền núi phía Bắc là ngành hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao, bình quân đạt trên 13%/năm. Năm 2020, sản lượng khai thác gỗ rừng trồng đạt 7,9 triệu m3 gỗ, ước đạt gần 9.500 tỷ đồng/năm. Tại các địa phương có gần 750 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến gỗ và lâm sản; tổng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng giai đoạn 2011-2020 đạt hơn 7.700 tỷ đồng, riêng năm 2020 thu gần 1.250 tỷ đồng.
Các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, với một số địa điểm đặc trưng thu hút du khách như: Vườn quốc gia Hoàng Liên có đỉnh Fansipan; Vườn quốc gia Bái Tử Long - Vịnh Hạ Long được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới; Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường La, Tà Xùa, Sốp Cộp và Xuân Nha, tỉnh Sơn La... Qua đó, mỗi năm thu hút hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan du lịch; ước tính tổng chi tiêu của du khách tới hàng nghìn tỷ đồng. Hoạt động du lịch đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân và đóng góp đáng kể vào ngân sách các địa phương.
Bà Giàng Páo Mỷ, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu khẳng định, thời gian qua, phát triển rừng bền vững được Lai Châu xác định là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng phát triển kinh tế rừng thông qua việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với các loại cây có giá trị kinh tế cao.
Đến nay, Lai Châu đã có nhiều loại dược liệu quý hiếm được nhân dân bảo tồn và phát triển như: Sâm Lai Châu, cây Bảy lá một hoa, Lan Kim Tuyến, Tam thất, Đương quy, Thảo quả, Hà thủ ô... Hiện, trên 70% số hộ dân của tỉnh đã tham gia trồng và bảo vệ rừng, có nguồn thu nhập ổn định từ rừng.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra những ý tưởng, giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh về các giá trị của hệ sinh thái rừng. Việc quản lý rừng được cân bằng giữa tính bền vững với việc khai thác, sử dụng thông qua Luật Lâm nghiệp, các quyết định của Chính phủ và các chứng nhận, quản lý điều kiện tự nhiên của các khu rừng thương mại...
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, Bộ sẽ quan tâm tháo gỡ những vấn đề về thể chế và có chương trình, đề án riêng về phát triển kinh tế dưới tán rừng cho vùng trung du miền núi phía Bắc. Đồng thời, kích hoạt tất cả các giá trị, biến nông nghiệp thành ngành kinh tế mũi nhọn, dựa trên 3 trụ cột là tài nguyên bản địa, tinh hoa dân tộc và tinh hoa sáng tạo.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng yêu cầu, các địa phương chỉ đạo phát triển kinh tế dưới tán rừng phải tính đến hiệu quả bền vững, tức cần khai thác có kiểm soát, có chương trình, không làm mất đi giá trị hiện hữu của rừng; làm sao tạo nguồn lực kinh tế dưới tán rừng thành một chuỗi ngành hàng, tích hợp giữa du lịch sinh thái, du lịch miền núi... để nâng cao thu nhập cho người dân./.