Theo báo cáo của tỉnh, Tuyên Quang vẫn là tỉnh khó khăn, hạ tầng thiếu đồng bộ, giao thông chỉ có đường bộ. Tỉnh có 22 dân tộc trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên một nửa dân số;tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng 23%. Dù tăng trưởng kinh tế những năm qua khá cao, trong đó năm ngoái tăng hơn 7,8%, nhưng thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 34 triệu đồng/năm; thu ngân sách khoảng 1.500 tỉ đồng nên chỉ tự cân đối được 1/4 nhu cầu ngân sách. Toàn tỉnh hiện chỉ có gần 1.200 doanh nghiệp, và chưa có sản phẩm chủ lực để xuất khẩu. 

tt02_lvbp.jpg
Thủ tướng gợi ý kinh tế lâm nghiệp là hướng ra cho Tuyên Quang. 

Tỉnh có độ che phủ rừng khá cao, trên 64% và mỗi năm trồng thêm trên 10.000 ha. Tỉnh đang áp dụng một số mô hình quản lý rừng bền vững và đề nghị Thủ tướng cho tỉnh thí điểm mô hình là tỉnh phát triển kinh tế lâm nghiệp. Tuyên Quang cũng đề nghị Thủ tướng cho cổ phần hóa Công ty thủy điện Tuyên Quang; hỗ trợ vốn để tiếp tục thực hiện quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang. 

Góp ý với Tuyên Quang, đại diện các bộ cho rằng, Tuyên Quang phải xác định phát triển dựa vào chính thế mạnh của mình, đó là bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhưng phải gắn với chế biến, tạo giá trị gia tăng cao; phát triển một số vùng nông nghiệp hàng hóa. Tuyên Quang có thế mạnh có thể phát triển du lịch, nhưng đi liền với đó phải đầu tư hạ tầng giao thông thuận lợi hơn.

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Tuyên Quang có bước phát triển đáng mừng, hoàn thành 21/21 chỉ tiêu kinh tế xã hội. Thu ngân sách vượt dự toán; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh với 4,4% trong năm ngoái. Tỉnh cũng đã hình thành được một số vùng chuyên canh nông, lâm nghiệp.  

Tuy nhiên, quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ; rừng chưa trở thành thế mạnh khi mức độ thâm canh và năng suất thấp, chưa là con bài chủ lực để tạo nguồn thu; tỷ lệ hộ nghèo còn cao.

Biểu dương Đảng bộ, chính quyền Tuyên Quang có tinh thần cải cách, cầu thị, quyết tâm cao và có khát vọng phát triển, Thủ tướng gợi ý, bên cạnh phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng tái tạo, du lịch sinh thái thì hướng ra quan trọng của Tuyên Quang là nông nghiệp, lâm nghiệp công nghệ cao, bao gồm cả dược liệu, gỗ rừng trồng.

Từ các thế mạnh của tỉnh, Thủ tướng đặt tầm nhìn với Tuyên Quang: “Tôi muốn đặt một tầm nhìn cao hơn đối với Tuyên Quang.Tuyên Quang với đặc điểm và lợi thế như thế, phải là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước. Tuyên Quang phải là điển hình về năng lực thoát nghèo để cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên cho phát triển kinh tế, giải quyết đời sống cho người dân”.

Để thực hiện tầm nhìn đó, Thủ tướng cho rằng việc đầu tiên Tuyên Quang cần phát triển hạ tầng cứng, trước hết là giao thông; có đề án tái cơ cấu dân cư theo hướng tập trung để giảm chi phí đầu tư y tế, giáo dục, thương mại, các hạ tầng thiết yếu khác. 

Về hạ tầng mềm, Tuyên Quang cần chú trọng giáo dục cơ bản để nâng cao dân trí, nhất là đồng bào dân tộc; chú trọng công tác dạy nghề; thay đổi phương thức và đầu tư có trọng điểm các trường nội trú và trường dạy nghề. Đi liền với đó là tạo các vùng nguyên liệu lớn có chất lượng, phục vụ sản xuất hàng hóa như nguyên liệu gỗ rừng trồng, gỗ, cam, chè; hỗ trợ tạo để phát triển hệ thống doanh nghiệp lớn, có khả năng cạnh tranh. 

Thủ tướng trò chuyện, hỏi thăm công nhân nhà máy.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp giải quyết các kiến nghị của tỉnh, trong đó, đồng ý về chủ trương xây dựng tuyến cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ nối với tuyến cao tốc Nội Bài –Lào Cai, dài khoảng 40km theo hình thức hợp tác công-tư (PPP).Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với các cơ quan liên quan, tìm nguồn vốn để giúp Tuyên Quang tiếp tục thực hiện quy hoạch tổng thể di dân, tái định cư dự án thủy điện Tuyên Quang, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. 

Về đề nghị cổ phần hóa Công ty Thủy điện Tuyên Quang, Thủ tướng đồng ý về chủ trương, giao Bộ Công thương chỉ đạo Tập đoàn Việt Nam xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương cổ phần hóa theo hướng Nhà nước nắm cổ phần chi phối.

Trước đó chiều 26/2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Nhà máy May Tuyên Quang tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương, tỉnh Thái Nguyên. Nhà máy do Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư với số vốn trên 200 tỉ đồng, đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái. Hiện Nhà máy đang giải quyết việc làm cho 600 lao động và dự kiến tạo việc làm cho 1.200 lao động. Nhà máy gồm hệ thống nhà xưởng, kho chứa nguyên phụ liệu, thành phẩm đến khu nhà để xe, nhà vệ sinh, nhà ăn ca. 

Nhà máy May Tuyên Quang là một trong những dự án đầu tư quan trọng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhằm tạo việc làm và thu nhập cho con em đồng bào tại Tuyên Quang và vùng lân cận.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm khu sản xuất, nhà ăn ca, ân cần thăm hỏi, động viên người lao động người lao động. Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo Nhà máy sau thời gian ngắn đi vào hoạt động đã có sản phẩm xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho người dân địa phương. Thủ tướng cũng nhắc nhở lãnh đạo Nhà máy,cùng với việc đầu tư phát triển nhà máy thì cần chăm lo đời sống người lao động, trong đó phải chú trọng chất lượng bữa ăn cho công nhân, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm./.