Gần 15.000 ha ngô trong cả nước đã bị sâu keo mùa Thu gây hại. Diện tích, mức độ thiệt hại tiếp tục gia tăng và còn có thể lây lan sang những vụ mùa tiếp theo. Đây là nội dung đáng chú ý được nêu ra tại Hội nghị tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống sâu keo mùa Thu tại các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên do Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay (19/7) tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.
Tại hội nghị, đại biểu đến từ 13 tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên đều có chung một nhận định, sâu keo mùa Thu đang gây hại tràn lan và rất khó phòng trừ. Khu vực này hiện đã có đến gần 7.000 ha ngô bị loài sâu này gây hại.
Gần 15.000 ha ngô trong cả nước đã bị sâu keo mùa thu gây hại. |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Kpă Thuyên cho biết với nhiều khó khăn, hạn chế trong phòng trừ mà diện tích ngô bị hại trên địa bàn tỉnh tăng chóng mặt. Tính đến trung tuần tháng 7, toàn tỉnh có đến 5.000 ha trong tổng số 31.000 ha ngô Hè Thu bị sâu keo mùa Thu gây hại với hầu hết các giống ngô đều bị nhiễm sâu.
“Hiệu quả phòng chống sâu keo chưa cao do đây là một đối tượng dịch hại mới, hiểu biết người nông dân về loài sâu này đang còn hạn chế. Công tác phổ biến, tuyên truyền và chỉ đạo của chính quyền địa phương chưa thực sự sâu rộng, chưa huy động được lực lượng có sẵn tại địa phương để giúp dân thực hiện công tác phòng chống. Bên cạnh đó, việc gieo trồng ngô không đồng loạt, trên cùng một khu vực có rất nhiều trà ngô được gieo trồng ở nhiều thời gian khác nhau, gây khó khăn cho việc tổ chức phòng trừ chưa được đồng bộ và kiểm soát sự phát sinh di trú, gây hại của sâu keo”, ông Kpă Thuyên cho biết.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, đến trung tuần tháng 7, cả nước đã trồng được khoảng 415.000 ha ngô, diện tích bị sâu keo mùa thu gây hại là gần 15.000 ha. Trong đó, diện tích bị thiệt hại nặng là khoảng 1.300 ha. Trong tháng 7, ngô Hè Thu tiếp tục xuống giống nên diện tích nhiễm sâu keo sẽ còn gia tăng.
Đáng chú ý, ngô hè thu chủ yếu đang trong giai đoạn ngô non, đây là giai đoạn dễ bị sâu gây hại nhất. Đồng thời với việc vụ mùa nối tiếp nhau, sâu sẽ tiếp tục lây lan vào các vụ mùa tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, không chỉ gây hại trên cây ngô, sâu keo mùa thu còn nguy hiểm với nhiều loại cây trồng khác nên cần được quan tâm đặc biệt về công tác phòng trừ.
“Sâu là một sinh vật gây hại nguy hiểm, không chỉ phá hoại ngô mà còn rất nhiều cây trồng khác. Khi người dân canh tác liền vụ, ngô chưa thu hoạch vụ này đã xuống giống mới cho nên quá trình chuyển tiếp rất phức tạp”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nêu rõ.
Trước những diễn biến khó lường của sâu keo mùa Thu, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị chính quyền, ngành chức năng các tỉnh chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp phòng trừ theo hướng dẫn của Bộ; tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn nông dân thực hiện công tác phòng trừ để hạn chế thiệt hại và lây lan.
Đối với Cục Bảo vệ thực vật và các Trung tâm nghiên cứu vùng, cần nghiên cứu nhanh các biện pháp phòng trừ hiệu quả để áp dụng trong các vụ mùa sắp tới./.
Sâu keo mùa Thu phá hại hàng nghìn ha ngô tại Điện Biên