Nhiều vườn dừa của tỉnh Bến Tre chưa kịp khôi phục sau đợt hạn mặn lịch sử năm ngoái, thì nay lại bị loại sâu đầu đen tấn công và gây thiệt hại nặng nề. Ở thời điểm này, chính quyền và các ngành chức năng địa phương đang cùng nhà vườn, các nhà khoa học tìm giải pháp tối ưu nhằm tiêu diệt loại sâu hại này.
Gia đình ông Đặng Thanh Hải trồng 2.000 m2 vườn dừa hơn 40 năm tuổi ở ấp Hữu Nhơn, xã Hữu Định huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre cũng như nhiều hộ dân khác tại đây phải ngậm ngùi khi phá vườn dừa bị sâu đầu đen gây hại. Ông Hải cho biết, do vườn dừa cao 30-40 mét nên không thể phun xịt thuốc diệt loại sâu hại này.
“Dừa trồng lâu năm và đã từng bị nhiều chứng bệnh nhưng không chết, bây giờ bị sâu đầu đen ăn khiến dừa chết hàng loạt, không cứu vãn được. Sâu đầu đen rất nguy hiểm vì nó ăn dừa rất nhanh, trong vòng 2 tháng nó ăn lan rộng không thể cứu chữa. Bây giờ cuộc sống khó khăn khiến nhiều gia đình phải đi làm mướn”, ông Hải nói.
Xã Hữu Định là một trong số các địa phương có vườn dừa bị sâu đầu đen cắn phá nghiêm trọng nhất tỉnh Bến Tre và chưa được khống chế. Toàn xã có 745 ha dừa chuyên canh; trong đó có 60 ha bị sâu đầu đen gây hại; 5 ha vườn dừa đã bị đốn hạ để trồng lại. Ông Đặng Công Tấn, Chủ tịch UBND xã Hữu Định cho biết, dừa là kinh tế chính của người nông dân địa phương, nên khi sâu đầu đen tấn công gây khó khăn cho cuộc sống người dân.
“Kinh tế của người trồng dừa gặp rất nhiều khó khăn từ khi sâu gây hại. Nếu để cho người nông dân tự tìm cách phun xịt thuốc thì chi phí tăng cao. Nếu nghiên cứu được thuốc sinh học để trị, hoặc có chính sách hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại do con sâu đầu đen gây ra sẽ phần nào giảm bớt gánh nặng cho nông dân”, ông Tấn bày tỏ.
Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker là loài sâu hại nghiêm trọng, lây lan nhanh và có nguồn gốc từ miền nam Ấn Độ và Sri Lanka. Loài sâu này cắn phá lá dừa, trái dừa... có thể làm cây dừa khô héo dẫn đến chết.
Tại Bến Tre, sâu đầu đen xuất hiện đầu tiên vào tháng 7 năm ngoái, đã gây hại 2,4 ha tại ấp Giồng Tre, xã Phú Long, huyện Bình Đại. Đến nay, diện tích sâu đầu đen phát tán và gây hại trên địa bàn tỉnh đến 161 ha, trong đó diện tích nhiễm nặng bị cháy lá là 51 ha. Tại vườn dừa ở các huyện Bình Đại, Châu Thành, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, TP Bến Tre và Chợ Lách đều xuất hiện con sâu này.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Bến Tre đã kết hợp với các Viện, Trường, doanh nghiệp và nhà vườn tích cực phòng trị sâu đầu đen bằng nhiều phương pháp; trong đó ưu tiên sử dụng chế phẩm sinh học phun trên tán dừa nhưng hiệu quả không cao. Đối với những vườn dừa nhiều năm tuổi, cây cao rất khó khăn trong việc tiêu diệt sâu đầu đen. Một số nhà vườn có diện tích nhỏ, manh mún chưa tích cực phòng trị sâu bệnh. Tại xã Hữu Định và Tam Phước, huyện Châu Thành đã có 6 ha vườn dừa bị sâu gây hại nặng nề nhà vườn phải phá bỏ.
Để cứu vườn dừa của xứ dừa trước sự gây hại của sâu đầu đen, các ngành chức năng, các cấp chính quyền, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà vườn tiếp tục ứng dụng các biện pháp, các tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiêu diệt sâu đầu đen.
Ngoài công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn nhà vườn sử dụng thuốc sinh học, phun trị đúng kỹ thuật, ngành chuyên môn khẩn trương nghiên cứu nhân rộng loài thiên địch diệt sâu đầu đen. Tỉnh Bến tre trích ngân sách địa phương và vận động từ các doanh nghiệp kinh doanh ngành dừa ủng hộ 1,7 tỷ đồng hỗ trợ cho nhà vườn ứng phó với dịch bệnh này.
Ông Võ Văn Năm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre cho biết, dù sâu đầu đen lan rộng nhưng nằm trong tầm kiểm soát và có chiều hướng sinh sôi chậm.
“Bà con nông dân khi thăm vườn cần kiểm tra cách gây hại của sâu đầu đen, báo cho cơ quan chuyên môn ở địa phương biết đến điều tra. Nếu thực sự là sâu đầu đen gây hại phải áp dụng các biện pháp phòng trừ theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, bà con không nóng vội phòng trừ bằng nhiều loại thuốc hóa học. Chi cục đã xây dựng kế hoạch, tập huấn, hướng dẫn và tuyên truyền cho bà con về cách gây hại của đối tượng này trong thời gian tới trên khắp địa bàn của tỉnh”, ông Võ Văn Năm khuyến cáo.
Tỉnh Bến Tre có 73.000 ha dừa, đứng đầu cả nước, giá trị ngành dừa chiếm gần 60% tổng giá trị ngành nông nghiệp. Cây dừa đã gắn bó từ lâu đời và là cây trồng chủ lực của quê hương Bến Tre. Do đó, việc tiêu diệt sâu đầu đen là rất khẩn thiết để bảo vệ thành quả lao động của người trồng dừa.
Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Dừa tỉnh Bến Tre cho rằng, với sự vào cuộc quyết liệt như hiện nay, nhất là sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp kinh doanh ngành dừa, người trồng dừa cơ bản yên tâm, tin tưởng sẽ sớm ngăn chặn sự tấn công của loài dịch hại này.
“Việc diệt dịch sâu nếu làm chậm sẽ bùng phát, nên vừa qua Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh và phòng nông nghiệp các địa phương đã tổ chức phối hợp với các nhà vườn diệt sâu rất tích cực. Hiện nay, các doanh nghiệp cũng đã ra tay cùng với chính quyền địa phương trong công tác này”, ông Tuấn cho hay.
Hiện nay, các cơ quan chuyên môn như Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Trường Đại học Nông Lâm, Trường Đại học Cần Thơ… đã tích cực đến giúp tỉnh Bến Tre thực hiện thí điểm các mô hình phòng trị sâu đầu đen và đã đem lại hiệu quả ban đầu. Tin rằng, loài sâu hại này sẽ sớm được khống chế và loại trừ để giữ mãi màu xanh tươi, rợp bóng của xứ dừa Bến Tre./.