Lo ngại số vốn quá lớn, ACV không đủ năng lực

Dự kiến Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thànhgiai đoạn một, vào ngày 26/11.

lt2_tjov.jpg
Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Tại tờ trình về dự án này, Chính phủ đề xuất Quốc hội giao Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư các hạng mục chính giai đoạn 1, với tổng mức đầu tư 4,8 tỷ USD, tương đương 111.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình thảo luận, nhiều đại biểu cho rằng đây là số vốn quá lớn và lo ngại ACV không đủ năng lực.

Xung quanh vấn đề trên, ông Đặng Huy Đông - Viện trưởng Nghiên cứu quy hoạch và Phát triển (nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch v& Đầu tư) cho rằng, dự toán tổng mức đầu tư được tính trên cơ sở báo cáo nghiên cứu tiền khả thi với nhiều số liệu đầu vào là giả định, do đó sẽ có sai số 10 đến 15%.

Sau khi được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, chủ đầu tư sẽ phải khảo sát địa chất, từ đó tính toán chính xác kết cấu nền móng, các loại vật liệu, giải pháp thi công, quy mô công suất... Khi đó ACV mới đưa ra được tổng mức đầu tư với sai số trên dưới 5% theo thông lệ quốc tế.

Từ cách tiếp cận trên, ông Đông cho rằng các đại biểu Quốc hội không nên đi sâu vào con số cụ thể mà cần thuê đơn vị tư vấn thẩm định độc lập về tổng mức đầu tư sân bay Long Thành; tránh để những băn khoăn về chi phí cho sân bay không được làm rõ, khiến việc triển khai công trình bị chậm, lỡ cơ hội phát triển.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Văn Tới - Phó chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam đánh giá, việc giao ACV làm sân bay Long Thành sẽ giúp Việt Nam tránh phụ thuộc nước ngoài về công nghệ và tiến độ khi đầu tư. Hơn nữa ACV đã tích luỹ được một số vốn lớn thời gian qua (25.000 tỷ đồng), doanh nghiệp này sẽ vay thêm ngân hàng và không yêu cầu Chính phủ bảo lãnh.

Cũng theo ông Tới, Quốc hội đã ra tiêu chí sân bay Long Thành phải hoạt động từ năm 2025, thời gian rất gấp, chỉ còn cách giao cho ACV làm chủ đầu tư vì trong năm tới phải thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và thẩm tra để dự án có thể khởi công vào 2021.

Với số vốn, quy mô xây sân bay Long Thành quá lớn, vượt khả năng ACV, các chuyên gia kinh tế, giao thông cho rằng Quốc hội nên thuê tư vấn để làm rõ.

Đánh giá năng lực của ACV, ông Đặng Huy Đông nói đây là doanh nghiệp có năng lực tốt trong số tất cả các doanh nghiệp trong nước về hạ tầng sân bay (kể cả nhà nước và tư nhân).

Trong khi đó, nguyên tắc đấu thầu chọn nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phải có năng lực tương xứng, tức phải từng có kinh nghiệm vận hành sân bay quy mô bằng 80% quy mô công suất sân bay Long Thành.

Hiện tất cả các doanh nghiệp tư nhân trong nước hiện đều không đạt tiêu chí này, chỉ có ACV đảm bảo do đã từng xây dựng một số nhà ga, đường băng như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Phú Quốc...

Về tốc độ triển khai dự án, cả nhà đầu tư tư nhân hay ACV đều phải thuê nhà thầu xây lắp, nên một nhà đầu tư đã xây dựng sân bay 1 - 2 triệu hành khách không đủ để khẳng định sẽ làm nhanh như vậy với sân bay 25 triệu hành khách. Tương tự, nếu xét tiêu chí quản lý sân bay tốt hơn thì các doanh nghiệp tư nhân sẽ không thắng nổi ACV.

"Tôi ủng hộ tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, phát triển kinh tế tư nhân, song những vấn đề nêu trên là thực tế", ông Đông nói.

Sân bay Long Thành có đắt hơn các sân bay cùng loại?

Bàn về chuyện xây dựng sân bay Long Thành, nhiều chuyên gia cho rằng, vốn đầu tư sân bay Long Thành 16 tỷ USD là “đắt đỏ” so với các sân bay cùng loại.

Theo đó, cần so sánh tổng mức đầu tư của sân bay Long Thành với 2 công trình sân bay hiện đại nhất thế giới mới vận hành năm 2019 là sân bay Đại Hưng - Bắc Kinh, diện tích 4.700 ha tương đương với Long Thành, thiết kế 7 đường băng công suất 100 triệu hành khách và 4 triệu tấn hàng hóa, vốn đầu tư 11,5 tỷ USD; sân bay Istanbul - Thổ Nhĩ Kỳ thiết kế 4 đường băng, công suất 90 triệu lượt hành khách, vốn đầu tư 12 tỷ USD.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiện Tống - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không - Trường Đại học Bách khoa TP.HCM cho rằng, tổng vốn đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn một là 4,6 tỷ USD, cả ba giai đoạn lên đến 16 tỷ USD, đây là số vốn lớn vượt xa năng lực của ACV.

Trong khi đó, PGS, TS Nguyễn Thiện Tống - Nguyên chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật Hàng không (Đại học Bách Khoa TP HCM) cho rằng, tổng vốn đầu tư sân bay Long Thành giai đoạn một là 4,6 tỷ USD, cả ba giai đoạn lên đến 16 tỷ USD, đây là số vốn lớn vượt xa năng lực của ACV.

Nghĩa là doanh nghiệp này phải vay vốn trên trên thị trường vốn quốc tế trong 20 năm, thời gian ân hạn 5 năm, lãi suất khoảng 6% /năm. Phương án này có thể mang lại rủi ro tài chính cho ACV trong trường hợp sân bay không khai thác được như tính toán ban đầu.

"Nếu lỡ xây dựng giai đoạn một rồi mà số vốn đầu tư tiếp cho các giai đoạn sau tăng lên gấp đôi gấp ba lần thì sao? Nếu không có vốn cho các giai đoạn sau thì dự án sẽ bị lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan", ông Nguyễn Thiện Tống nói.

So sánh diện tích và công suất các sân bay trên thế giới, ông Nguyễn Thiện Tống đặt câu hỏi, diện tích 5.000 ha cho 3 giai đoạn có quá lớn hay không khi nhiều sân bay khác có cùng công suất nhưng diện tích nhỏ hơn nhiều.

Ví dụ sân bay Heathrow (Anh) có năng suất thiết kế 80 triệu khách/năm với diện tích 1.227 ha; sân bay Changi (Singapore) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.300 ha; sân bay Barcelona (Tây Ban Nha) có năng suất thiết kế 85 triệu khách/năm với diện tích 1.533 ha...

Chuyên gia này cho rằng với năng suất thiết kế 80 - 100 triệu khách/năm, sân bay Long Thành có thể chỉ cần diện tích 1.300 - 2.300 ha. Nếu quy hoạch diện tích nhỏ hơn, sân bay Long Thành hoàn toàn có thể tiết kiệm hơn nhiều về chi phí xây dựng và giải phóng mặt bằng.

Mặc dù lo ngại về năng lực của ACV, ông Nguyễn Thiện Tống không ủng hộ đấu thầu quốc tế, vì lo ngại ít nhà đầu tư tham gia, nếu có thì chỉ có nhà đầu tư Trung Quốc.

Ông Đặng Huy Đông cũng nhận xét, việc giao sân bay Long Thành cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ "tiềm ẩn rủi ro". Ông phân tích, Long Thành là sân bay cửa ngõ của Tổ quốc, nên để đảm bảo lợi ích quốc gia, an toàn an ninh hàng không, tuyệt đối không nên giao cho nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư trong nước có thể thuê nước ngoài quản lý, khai thác sân bay theo tiêu chuẩn quốc tế./.