Chiều 24/10, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế (HKQT) Long Thành giai đoạn 1. Theo đó, một trong những điều trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp lần này là bổ sung hai tuyến đường bộ kết nối với sân bay Long Thành với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

73164053_530124964215254_1467107613668802560_n_ysek.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình bày Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cụ thể, tuyến số 01 (dài 3,8 km) kết nối trục chính Cảng (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51. Giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe. Giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh, gồm 10 làn xe chạy chính và 06 làn đô thị song hành;

Tuyến số 02 (dài 3,5 km) kết nối tuyến số 01 với đường cao tốc thành phố HCM - Long Thành - Dầu Giây. Quy mô mặt cắt ngang 04 làn xe, chạy theo hai nhánh song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo nghiên cứu khả thi về dự án Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết hai tuyến đường này là kết nối quan trọng, trực tiếp phục vụ cho hoạt động của Cảng hàng không cả trong quá trình xây dựng, cũng như bảo đảm sự đồng bộ của cơ sở hạ tầng, phục vụ quá trình hoạt động sau này.

Bên cạnh đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ cần hết sức lưu ý, hiện Quốc lộ 51 và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đã quá tải, thường xuyên ùn tắc, khó bảo đảm giao thông cho Cảng HKQT Long Thành.

Mặt khác, kết nối Cảng HKQT Long Thành với tuyến đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị TP.HCM dự kiến đến năm 2040 mới được đầu tư. Như vậy, kết nối giao thông cho Cảng HKQT Long Thành giai đoạn 1 khó có thể được bảo đảm.

Đại công trình với nguy cơ thành “siêu ốc đảo” nếu thiếu 2 trục kết nối

Với thực trạng quá tải của sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng HKQT Long Thành được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ lớn và quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Quốc hội cũng kỳ vọng dự án sớm được triển khai với việc thông qua Nghị quyết 53 năm 2017 về giải phóng mặt bằng cho sân bay Long Thành, tuy nhiên ngoài việc mới giải ngân được 1% số vốn dành cho giải phóng mặt bằng, việc trình thông qua bổ sung hai tuyến đường, được coi là huyết mạch phục vụ cho hoạt động sân bay Long Thành, khiến một số đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Trương Anh Tuấn, đoàn Nam Định

Đại biểu Trương Anh Tuấn, đoàn Nam Định nêu ý kiến: “Tôi băn khoăn rằng làm một đại dự án lớn như Long Thành mà tại sao lại vướng một sơ suất không nhỏ là không thiết kế một con đường đi vào. Để khi triển khai giai đoạn 1 của dự án mới giật mình thấy rằng, dự án này nếu không làm hai con đường này thì sẽ như một ốc đảo”.

“Hiện nay Quốc hội bắt buộc phải tính phương án để sớm có con đường vào, trước mắt để phục vụ thi công. Thế nhưng, rõ ràng đó là sơ suất không nhỏ trong quá trình triển khai xây dựng dự án”, đại biểu Trương Anh Tuấn nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Công Hồng, tỉnh Đồng Nai cũng nêu thắc mắc: “Tôi có cảm nhận là xây dựng Cảng HKQT Long Thành theo kiểu vừa thiết kế vừa thi công. Tại sao đối với một đại dự án như vậy, khâu thiết kế lại không có đủ tầm nhìn chiến lược, thiếu tính tổng thể để đưa ra Quốc hội quyết một lần?”.

Cảng HKQT Long Thành có tổng mức đầu tư dự kiến là 111.689 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,779 tỷ USD. Như vậy, tổng mức đầu tư Dự án thấp hơn tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 94/2015/QH13 (không bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng là 4,782 tỷ USD)./.