Chính phủ Hàn Quốc vừa công bố kế hoạch đánh thuế 10% cho quỹ dư thừa sau khi đã chi cho tiền lương, đầu tư và chia cổ tức cho các cổ đông. Kế hoạch này có thể lấy đi hàng chục tỷ của các nhà sản xuất lớn trong nước như Samsung, Huyndai Motor và Kia Motor.
Tính đến hết tháng 6, Samsung có khoảng 60 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư ngắn hạn, trong khi con số này của Apple là 38 tỷ USD. Như vậy, nếu chính sách này áp dụng, Samsung có thể phải nộp thuế tới 6 tỷ USD.
“Chúng tôi đang đưa ra tín hiệu rằng, đây là lúc các công ty cần thúc đẩy nhu cầu trong nước. Chúng tôi không cần doanh thu từ khoản này. Mục đích của kế hoạch này là chuyển nhiều hơn lợi nhuận của các công ty vào các hộ gia đình”, Moon Chang Yong, Giám đốc Cơ quan Thuế thuộc Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết.
Chính sách này được các nhà đầu tư đợi cổ tức rất hưởng ứng, trong bối cảnh chính phủ Hàn Quốc tuyên bố tung 11,4 tỷ USD nhằm kích thích nền kinh tế trong tháng 7 vừa qua. Nợ của các công ty Hàn Quốc đã tăng mạnh trong năm nay khi lãi suất chồng chất và áp lực từ chính phủ đối với khoản vay của DNNN ngày một tăng.
Theo số liệu từ Bloomberg, 763 công ty làm cơ sở tính toán chỉ số Kospi đang tích trữ tới 808 tỷ USD tiền mặt và những cổ phiếu ngắn hạn. Con số này thậm chí còn nhiều hơn GDP của Hà Lan.
Với đề xuất, các công ty sẽ phải trả 10% lợi nhuận vượt quá thông số của Chính phủ, sau khi đã đầu tư, tăng tiền lương và cổ tức.
Biện pháp trên là một phần kế hoạch của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc Choi Kyung Hwan nhằm buộc các tập đoàn gia đình lớn (chaebol) nước này tăng thu nhập cho các hộ gia đình. Thu nhập bình quân đầu người tại Hàn Quốc chỉ tăng gần gấp đôi giai đoạn 2000-2012, trong khi lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên gấp 3. Cấu trúc sở hữu chéo của các chaebol từ lâu đã bị chỉ trích vì cho phép các gia đình sáng lập kiểm soát nhiều công ty, thu lời trên sự thiệt hại của cổ đông thiểu số và xã hội.
Tuy nhiên, theo ông Kim Eun Gie, nhà phân tích tín dụng tại NH Investment & Securities, chính sách mới cũng chưa chắc sẽ giúp tăng đầu tư và lương nhân công. "Tăng đầu tư không phải lúc nào cũng khiến tín nhiệm của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Nếu khoản này có lãi, việc đó còn tốt là đằng khác. Nhưng tăng đầu tư không phải là quyết định dễ dàng. Bên cạnh đó, đã tăng lương rồi thì sau này rất khó giảm lúc cần thiết. Có thể họ thà trả thuế còn hơn", ông Kim cho biết./.