“Ruộng lúa bờ hoa" là mô hình canh tác mới được áp dụng tại Hợp tác xã An Nhứt, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Với 10 ha canh tác thí điểm, người nông dân trồng nhiều loại hoa ven bờ để dẫn dụ côn trùng có ích đến hút mật, sinh sản, gia tăng quần thể thiên địch, góp phần hạn chế sâu rầy bảo vệ lúa, bảo vệ môi trường, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Mô hình "Ruộng lúa bờ hoa" nằm trong chương trình "Quản lý dịch hại tổng hợp trên lúa bằng công nghệ sinh thái" do Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) triển khai thí điểm đầu tiên ở vụ lúa Đông Xuân 2009 – 2010 tại hai huyện Cai Lậy và Cái Bè của tỉnh Tiền Giang.

lua_hoa_alyp.jpg
Mô hình ruộng lúa bờ hoa giúp bảo vệ môi trường, tăng năng suất lúa. (Ảnh minh họa: KT)
Mô hình nhằm vào 2 mục tiêu chính là tăng hệ thực vật có hoa trên bờ ruộng và ngừng sử dụng thuốc trừ sâu trong giai đoạn đầu của cây lúa. Từ đó, giúp tăng cường sức đề kháng cho hệ sinh thái ruộng lúa và giúp nông dân giảm thuốc trừ sâu trong sản xuất. Tham gia mô hình, nông dân trong vùng được hướng dẫn trồng nhiều loại hoa xung quanh khu ruộng. Kết quả, tính trên mỗi ha tiết kiệm được đến 500 nghìn đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật và công phun xịt.

Hiện nay, chương trình này đang được áp dụng tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Nhiều nông dân ở đây cho biết, ruộng lúa gần như không phải phun thuốc trừ sâu rầy mà năng suất vẫn có thể đạt hơn 6 tấn/ha ở vụ Hè Thu và mùa, còn vụ Đông Xuân có thể lên đến hơn 7 tấn/ha, tăng gần 1 tấn/ha so canh tác bình thường.

Ông Nguyễn Hữu Sang, nông dân xã viên Hợp tác xã An Nhứt cho biết, cái lợi trước mắt là người dân không phải bỏ  vốn ra để trồng bông, thứ hai là được hỗ trợ vốn để làm, giúp cho bà con, xã viên làm theo phương pháp khoa học mới, đây là mô hình rất thiết thật cho đồng ruộng bản thân, vì nó không có sâu rầy.

Theo kinh nghiệm của những nông dân tham gia mô hình, khi trồng những cây ra hoa màu trắng và màu vàng thường có nhiều phấn hoa hơn và thu hút nhiều thiên địch đến tấn công các loài sâu hại hơn.         

“Tại những diện tích trồng bông trong suốt thời gian sinh trưởng không thấy có sâu rầy, đây là loại cây trồng tăng cường các thiên địch nên các chủ ruộng rất hài lòng”, ông Trần Văn Hải, nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền nói.

Bà Trần Thị Thiên Hương, Trưởng Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông- Khuyến ngư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đánh giá, việc áp dụng mô hình này sẽ giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo được cân bằng sinh thái trên đồng ruộng và còn giúp nông dân bảo vệ sức khỏe, nâng cao trình độ kỹ thuật, nhất là trong quản lý dịch hại trên ruộng lúa. Ðây là một mô hình mới rất có triển vọng, phù hợp với việc phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

“Mô hình trồng hoa ven bờ ruộng đã được bà con nông dân ở ĐBSCL áp dụng nhiều. Nếu bà con ghi nhận và tiếp nhận điều này sẽ tạo ra môi trường sinh thái tốt cũng như là giảm vấn đề sâu bệnh hại trên cây lúa, từ đó giảm được việc sử dụng thuốc và chất lượng sản phẩm cũng được tốt hơn”, bà Hương cho biết.

Hy vọng trong thời gian tới, mô hình "ruộng lúa bờ hoa" sẽ tạo ra bước đột phá cho chương trình kiến thiết lại đồng ruộng theo hướng phát triển cộng đồng tại Bà Rịa-Vũng Tàu... Trước thực trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan trong nông nghiệp như hiện nay, mô hình này rất cần thiết./.