Chiều nay (25/7), tại TP HCM, Chính phủ tổ chức Hội nghị về điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tham dự hội nghị. Ông Trịnh Đình Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Hiện nay, vùng TP HCM đang thực hiện theo quy hoạch vùng đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2008. Qua 10 năm thực hiện, quy hoạch này đã tạo điều kiện để các địa phương phát triển nhưng vẫn bộc lộ những bất cập như thiếu đầu tư đồng bộ, thiếu kết nối, chưa khai thác được tiềm năng, thế mạnh, vị trí từng tỉnh, thành.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Hội nghị về điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM. |
Vì vậy, điều chỉnh quy hoạch xây dựng của vùng và các tỉnh, thành trong vùng là cần thiết. Chính phủ giao cho Bộ Xây dựng hình thành dự thảo đồ án “Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo đó, phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP HCM và 7 tỉnh xung quanh, gồm Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu và Tiền Giang với tổng diện tích khu vực quy hoạch khoảng 30.404 km2.
Đồ án đưa ra mô hình đa trung tâm, tập trung đa cực, có kết nối tốt, hạ tầng kỹ thuật thích ứng với biến đổi khí hậu. Trong đó, TP HCM là trung tâm và hình thành các cực phát triển ở các tỉnh chứ không phát triển theo hành lang dọc như hiện nay rất khó kiểm soát.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM cho biết, so với quy hoạch năm 2008, quy hoạch lần này đã rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, thêm vào đó những ý tưởng và bài học quy hoạch từ các nước và cũng căn cứ vào thực tế.
“Chúng tôi thấy có nhiều điểm mới, có nhiều tiềm năng, triển vọng, giúp cho từng tỉnh, thành trong vùng rà soát quy hoạch của mình, từ đó góp phần vào phát triển chung”, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP HCM cho rằng, các tỉnh thành trong vùng từng bàn đến cơ chế liên kết vùng nhưng hiệu quả chưa cao. Cho nên, trong đồ án cần có cơ chế quản lý và có cơ quan điều tiết vì quy hoạch có hợp lý, có tốt mà không có cơ chế để thực hiện thì cũng không có tác dụng.
Lãnh đạo nhiều tỉnh khác cũng kiến nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến đầu tư cho vùng, làm đầu mối điều phối vùng, để các địa phương kết nối tốt hơn về giao thông, thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh từng tỉnh, thành.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của vùng TP HCM mà trung tâm là TP HCM trong sự phát triển chung của cả nước.
Quy hoạch vùng phải làm sao để đồng thời phát triển kinh tế và đời sống xã hội. Hội nghị này là lần lấy ý kiến cuối cùng để hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Đây là đồ án định hướng quy hoạch vùng rất lớn nên không thể đi vào chi tiết, vào nhiều vấn đề còn mong muốn. Quy hoạch là dự báo nhưng nếu chi tiết quá đến lúc điều chỉnh rất khó. Cho nên, có những vấn đề phải định hướng, phải khái quát nhưng cũng có những vấn đề phải nhấn mạnh, đã đưa ra được ý tưởng mới trên cơ sở khoa học, kinh nghiệm quy hoạch vùng tại một số quốc gia phát triển”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu rõ.
Điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP HCM có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ đối với thành phố mà với cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Vùng TP HCM là vùng động lực và trong tương lai đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có di dân cơ học, biến đổi khí hậu, đóng góp 41% GDP, 51% cho xuất khẩu, có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh.
Làm sao để vùng phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế, vị trí có ý nghĩa rất quan trọng. Điều chỉnh quy hoạch làm thế nào để khai thác được tiềm năng lợi thế và kết nối được hạ tầng kinh tế - xã hội của các tỉnh trong vùng, tạo động lực, phân công cho từng tỉnh thành phát triển./.
Xây dựng TP HCM là thành phố toàn cầu