Chiều nay (11/6), sau khi kết thúc phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có kết luận, chuyển tải ý kiến của Quốc hội đề nghị Bộ trưởng cần thực hiện các nhiệm vụ đã hứa trước Quốc hội và cử tri. Theo đó, có 5 lĩnh vực Bộ trưởng cần tập trung giải quyết.

Thứ nhất, về vấn đề tái cơ cấu nông nghiệp, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, ở đây không chỉ quyết tâm mà phải quyết liệt để tái cơ cấu thành công ngành nông nghiệp, kể cả cây trồng, vật nuôi… để có thể nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

cao_duc_phat_lgmm.jpg
Bộ trưởng Cao Đức Phát trong phiên trả lời chất vấn ngày 11/6

Theo chương trình của Quốc hội, đến cuối năm 2015, cơ bản tái cơ cấu xong nền kinh tế và trong đó tập trung vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Hiện mới có già nửa số tỉnh có đề án tổ chức triển khai. Cơ cấu này đòi hỏi phải được triển khai đồng bộ trên phạm vi cả nước; phải quy hoạch lại một cách căn cơ, tính toán tới sức cạnh tranh của từng loại sản phẩm.

Chủ tịch Quốc hội nói: “Bộ trưởng NN&PTNN hứa với Quốc hội là đến hết năm nay, tất cả các tỉnh, các địa phương triển khai và có đề án. Đây là trách nhiệm không chỉ của Bộ trưởng mà của cả cấp ủy, chính quyền địa phương; chủ tịch các tỉnh, thành trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết của Trung ương. Để đến hết năm 2015, chúng ta có thể báo cáo với Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước là cơ bản chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp đã được thực hiện, để chúng ta tiếp tục thực hiện, tránh được nỗi lo hội nhập quốc tế”.

Thứ hai, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Cao Đức Phát tiến hành tổng kết kỹ càng chính sách liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà băng). Qua ý kiến đại biểu cho thấy sự liên kết này có nhiều trục trặc, lỏng lẻo, hiệu quả thấp.

Do đó, cần có giải pháp đưa doanh nghiệp, các thành phần kinh tế vào nông nghiệp. “Không có 4 nhà, không đưa khoa học – công nghệ, giáo dục vào nông nghiệp thì không thể làm ăn lớn. Tái cơ cấu mà không có liên kết cũng hỏng” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Thứ ba, Chủ tịch Quốc hội cho biết, phong trào xây dựng nông thôn mới thời gian qua được các địa phương triển khai rất sôi động và thành công, mang lại hiệu quả. Quốc hội đề nghị Bộ trưởng là người đứng đầu đơn vị chủ trì, cần có kế hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp; trong đó số một là sản xuất – đời sống, tiếp theo là kết cấu hạ tầng, chăm sóc sức khỏe nhân dân, bảo đảm an ninh – an toàn trên địa bàn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Mặt trận Tổ quốc phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội tiến hành vận động, tổ chức thành công để 5 năm nữa, phong trào xây dựng nông thôn mới đạt chuẩn cao hơn; 10 năm nữa đạt tiêu chuẩn cao hơn nữa và 50 năm, 100 năm nữa có nền nông nghiệp, nông thôn hiện đại. Đây là công việc đòi hỏi sự kiên trỉ, bền bỉ và phải coi 19 tiêu chí là chưa đủ.

Thứ tư, vấn đề rừng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ NN&PTNT cần nghiên cứu một cách căn cơ, làm sao để người dân sống ở miền núi sống được nhờ rừng, hưởng lợi từ rừng. Sớm hoàn thành giao đất giao rừng cho người dân; bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng hiệu quả, khoa học, cho thu nhập cao, giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng đã hứa tập trung trồng rừng, để bù lại diện tích làm thủy điện, hết năm nay cơ bản hoàn thành.

Thứ 5, Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Cao Đức Phát tiếp tục rà soát, xem xét lại chính sách hỗ trợ cho nông dân, diêm dân, lâm dân, ngư dân – nhất là ngư dân đánh bắt xa bờ. “Bộ trưởng đã hứa chính sách hỗ trợ người trồng lúa còn sót tỉnh Thái Bình thì phải bổ sung, hỗ trợ giữ đất lúa sống còn” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Về chính sách hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ phải đi liền bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đối với 132 âu thuyền nằm trong kế hoạch đã được duyệt, Quốc hội đề nghị phải khẩn trương đầu tư xây dựng.

Chủ tịch Quốc hội kết luận: “Tôi đề nghị Bộ trưởng đã nói thì làm, đã hứa thi phải tổ chức thực hiện”./.