TP.HCM đang xây dựng kế hoạch, lộ trình phòng, chống dịch bệnh và khôi phục kinh tế. Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) cũng chủ động chuẩn bị kế hoạch khôi phục sản xuất, kinh doanh, sẵn sàng thích ứng để phục hồi và phát triển. Vấn đề đặt ra là phối hợp giữa nguồn lực y tế địa phương và các DN như thế nào cho hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh.
Nhiều DN tại TP.HCM đang sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” đều gặp hàng loạt khó khăn do phải tổ chức ăn, ở tại chỗ, xét nghiệm định kỳ 3 ngày/lần hoặc 7 ngày/lần theo quy định của ngành y tế nên chi phí gia tăng. Không ít DN đã phải dừng sản xuất sau một thời gian "3 tại chỗ".
Trường hợp của Công ty CP Kềm Nghĩa là một ví dụ. DN này có trên 1.200 công nhân đang tạm nghỉ việc. Ông Nguyễn Văn Út, Trợ lý Chủ tịch HĐQT, Công ty CP Kềm Nghĩa cho biết, DN đã phải tạm dừng sau 10 ngày triển khai phương án “3 tại chỗ”. Tất cả đơn hàng trong nước và quốc tế tạm ngưng đến khi DN trở lại hoạt động theo chính sách mới.
« DN sau một thời gian dài đóng cửa nhưng phát sinh rất nhiều chi phí phải duy trì như chi phí hỗ trợ cho người lao động tạm nghỉ chờ việc, phí vay ngân hàng, thuê mặt bằng. Việc bị trễ hạn hợp đồng giao hàng cho đối tác nước ngoài nên rủi ro bị phạt hợp đồng là hiện hữu trước mắt. Có thể nói, chính quyền lo an toàn phòng, chống dịch cho DN 10 lần thì DN lo lắng 100 lần, thậm chí 1.000 lần », ông Út quả quyết.
Điều mà nhiều DN đang ngóng chờ chính sách mở cửa kinh tế sau ngày 30/9 quan tâm hơn cả, là nếu chính quyền giao cho DN chủ động trong phòng chống dịch Covid-19 thì chính sách cần rõ ràng, cụ thể và dễ thực thi. Tổ chức sản xuất trong tình hình có dịch thì tiêu chí an toàn trong DN là yếu tố quan trọng, quyết định việc duy trì sản xuất không bị gián đoạn đột ngột. Do vậy, phần lớn các DN đều tập trung xây dựng lại hệ thống sản xuất, thiết kế, phân chia lại nhà xưởng và tăng cường y tế tại chỗ để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất.
Ông Cao Hoàng Nam, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại PepsiCo Việt Nam cho hay, cấp bách nhất trong lúc này là DN cần được trao quyền chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch tại cơ sở sản xuất.
« Từng nhà máy hoặc là một nhóm nhà máy xây dựng những trạm y tế, cho phép nhà máy sau khi đã hoàn thành các bước như tách F0, F1 ra và tẩy khử trùng toàn bộ khu vực bị ảnh hưởng để có thể mở lại sản xuất ngay lập tức. DN được tự xét nghiệm cho cán bộ công nhân viên và kết quả xét nghiệm được công nhận bởi chính quyền, đây là hình thức cho phép DN được chủ động trong phòng chống Covid-19 », ông Nam mong muốn.
Theo một số chuyên gia kinh tế, phải để DN tự chủ trong phòng, chống Covid-19 khi thành phố xác định sống chung với dịch. Chính quyền địa phương có thể quy định cho phép DN hoạt động nhưng phải đảm bảo phòng chống dịch. Nếu phát hiện có ca bệnh thì mọi chi phí chữa trị DN đều phải tự lo. Việc quy định quá chi tiết với nhiều tiêu chí cũng không thể đảm bảo có đủ lực lượng để kiểm tra, dễ dẫn đến không hiệu quả.
Ông Lý Trường Chiến, chuyên gia về chiến lược DN cho biết, vấn đề đặt ra là thúc đẩy phối hợp giữa nguồn lực y tế địa phương và y tế, nhân lực của DN. “Về chuyên môn y tế, các DN chắc chắn không thể biết hay không thể thông qua tập huấn một vài buổi mà có thể làm tốt công tác điều trị hay xử lý. Cần phối hợp với nhau một cách tích cực nhất, nhịp nhàng nhất, hiệu quả nhất trong điều kiện mới. Nhà nước có trách nhiệm trong việc điều phối, đặc biệt điều phối nguồn lực về chuyên môn y tế cho việc ứng xử, giải quyết kịp thời”, ông Chiến bày tỏ.
Đối với nhóm các DN sản xuất, dịch vụ, ông Bùi Tá Vũ Hoàng, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho rằng, vấn đề thành phố quan tâm là cách ứng xử khi có ca F0 trong DN. Nếu ứng xử như trước đây là bóc tách, rào chắn, khoá cả DN lại thì chắc chắn DN thà không mở cửa để giảm thiểu rủi ro. Do đó, thành phố đang hướng đến thống nhất các phương án giám sát hiệu quả hơn, trong đó nâng cao vai trò tự chủ của DN.
“Nên có cơ chế hậu kiểm. Các DN phải tự làm, tự xét nghiệm và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình. DN chia nhỏ, tách nhỏ các dây chuyền sản xuất, độc lập tương đối. Một số DN có công nhân bị F0, sau đó họ làm « 3 tại chỗ » ngay dây chuyền đó nhưng mời bác sĩ vào điều trị và cuối cùng công nhân đã khoẻ mạnh trở lại”, ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Các DN mong muốn TP.HCM đặt niềm tin và trao quyền chủ động cho DN trong phòng chống dịch Covid-19. Được như vậy, DN sẽ có phương án tốt nhất, sát thực tế của mình nhất để sản xuất an toàn, hiệu quả, đảm bảo sức khoẻ người lao động./.