“6 tỉ người chưa có internet tốc độ cao, gần 4 tỉ người hoàn toàn không có internet và gần 2 tỉ người không có điện thoại di động”. Đây là những con số được đưa ra tại Báo cáo phát triển thế giới 2016: Lợi ích công nghệ số do Ngân hàng Thế giới tổ chức chiều nay tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tới dự.

cong_nghe_so_dmiz.jpg
Tại lễ Công bố Báo cáo phát triển 2016-Lợi ích số

Phát biểu khai mạc lễ công bố Báo cáo của Ngân hàng thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh những lợi ích mà công nghệ số đem lại như góp phần nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, sức người… Đặc biệt là giúp từng người, từng nhóm người, nhất là nhóm người hay bị thua thiệt, yếu thế cũng được chia sẻ, thụ hưởng, đóng góp vào thành tựu chung của nhân loại.

Phó Thủ tướng cũng bày tỏ những quan ngại về mặt trái của công nghệ, như máy móc sẽ làm giảm công ăn việc làm của người lao động, đặc biệt là vấn đề an toàn thông tin liên quan đến đời sống riêng tư của mọi người.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng những mặt trái đó không phải do công nghệ mà do người sử dụng công nghệ. Do đó, không nên vì những tác động tiêu cực mà kìm hãm công nghệ số. Ngược lại, phải tìm mọi cách để phát triển công nghệ số.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ Việt Nam rất ý thức và rất chú trọng vào việc đưa ra những chủ trương, chính sách để khuyến khích mạnh mẽ phát triển công nghệ số. Nhà nước phải đưa ra một môi trường pháp lý bởi công nghệ không thể tự phát triển tốt nếu không có môi trường tốt, và môi trường pháp lý thì điều quan trọng nhất là phải cổ vũ nó phát triển. Bây giờ Việt Nam coi công nghệ thông tin là một công cụ đặc biệt để giúp Việt Nam có thể phát triển nhanh hơn và bền vững hơn.

Đặc biệt là công nghệ thông tin phải làm sao để hạn chế được những tiêu cực của nó và giúp những người yếu thế, nhân dân vùng sâu, vùng xa và những người nghèo có được cơ hội và tạo điều kiện để khẳng định mình; giúp cho mỗi người dân có đầy đủ hơn phương tiện để thực hiện quyền làm chủ của mình”.

Báo cáo “Lợi ích số” của Ngân hàng Thế giới cho thấy, công nghệ số - internet, điện thoại di động và tất cả các phương tiện khác phục vụ thu thập, lưu trữ, phân tích và chia sẻ thông tin số đang phát triển mạnh mẽ. Số hộ gia đình tại các nước đang phát triển có điện thoại di động lớn hơn số hộ có điện và nước sạch, và gần 70% số hộ gia đình trong nhóm 1/5 nghèo nhất sử dụng điện thoại di động. Số người sử dụng internet tăng gấp 3 lần trong vòng 1 thập kỉ - từ 1 tỉ người năm 2005 lên khoảng 3,2 tỉ người năm 2015.

Tuy nhiên, trên thế giới vẫn tồn tại khoảng cách lớn về công nghệ số, thể hiện qua những con số như: 6 tỷ người không sử dụng băng thông rộng; 4 tỷ người không có Internet; 2 tỷ người không có điện thoại di động; 0,4 tỷ người không nằm trong vùng phủ sóng. Do vậy, ưu tiên cấp bách hiện nay là phổ cập internet và giữ chi phí sử dụng ở mức vừa phải.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến nghị:  Đến nay, khu vực công của một số nơi chưa đủ năng lực để thực hiện dự án đầy hoài bão về công nghệ số. Sẽ cần có những chương trình nghị sự lớn thúc đẩy cải cách trong môi trường kinh doanh, nâng cao kỹ năng hiệu quả quản trị… Đây là điều Việt Nam cần tính tới trong việc xác lập sự phát triển của mình. Chính phủ Việt Nam và các bên liên quan có thể nghiên cứu báo cáo của Ngân hàng Thế giới để đem lại lợi ích cho càng nhiều người dân càng tốt./.