Phát biểu tại buổi tọa đàm về cuộc chiến chống thực phẩm bẩn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức tại Hà Nội chiều 18/1, bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đánh giá, thời gian vừa qua thực phẩm bẩn vẫn tiếp diễn trên thị trường.

vov_toa_dam_dtlx.jpg
Buổi tọa đàm "Cuộc chiến chống thực phẩm bẩn: Bất cập từ quản lý và giải pháp cho doanh nghiệp" diễn ra chiều 18/1 tại Hà Nội.

Bà Nga cho biết, theo Nghị quyết của Quốc hội, an toàn thực phẩm là một trong hai vấn đề đang được giám sát quốc gia. Bộ Y tế là một trong những đơn vị tham gia vào đoàn giám sát các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, đặc biệt là cơ sở giết mổ lợn, gà, bò...

Để xử lý vấn đề thực phẩm, theo bà Nga, ngoài bản thân trách nhiệm người sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc, nếu không có địa phương vào cuộc thì không thể nào giám sát được.

Qua thực tế kiểm tra, "nếu vẫn còn những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì việc không an toàn vẫn còn tiếp tục xảy ra" - bà Nga nhận định.

Bà Trần Việt Nga

Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm nhận định, việc truy xuất nguồn gốc và thu hồi chưa nghiêm. Muốn làm được, ngay từ ban đầu phải có hệ thống kiểm soát thì mới truy xuất và thu hồi được. Do Việt Nam có quá nhiều cơ sở nhỏ lẻ nên kiểm soát rất khó khăn.

Để đẩy lùi thực phẩm bẩn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, cần tạo lập chuỗi và quan tâm kiểm soát quá trình từ sản xuất, chế biến, vận chuyển đến lưu thông sản phẩm trên thị trường.

“Kiểm soát được chuỗi thì chúng ta có thể có cơ sở để truy xuất nguồn gốc”, ông Hùng lưu ý.

 Ông Nguyễn Mạnh Hùng

Về phía người tiêu dùng, theo ông Hùng, họ cần được bảo vệ 2 quyền là quyền thông tin và quyền an toàn. Tuy nhiên, hiện quyền thông tin về hàng hóa, đơn vị kinh doanh sản xuất còn hạn chế. Người tiêu dùng khó có thể kiểm tra được chất lượng hàng hóa, kể cả những hàng hóa có tem, giấy chứng nhận. Điều này khiến doanh nghiệp muốn làm ăn tử tế, tâm huyết cũng khó có điều kiện phát triển.

Bên cạnh đó, nhiều thực phẩm vẫn chứa nhiều tồn dư hóa chất, chất bảo quản dẫn đến tình trạng khi người tiêu dùng sử dụng bị ngộ độc thực phẩm. Ông Hùng đánh giá, vấn đề bảo vệ người tiêu dùng đã được Quốc hội quan tâm và thể hiện bằng luật pháp, các địa phương cũng đã có các cơ quan chỉ đạo nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế và còn rất phức tạp./.