Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, hiện nước ta đã hội nhập quốc tế sâu rộng với việc tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do. Do đó, thúc đẩy liên kết sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị đang dần trở thành phương thức sản xuất tối ưu để phát triển bền vững. Vì vậy, phát huy được vai trò của hợp tác xã sẽ là trung tâm liên kết, kết nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp đặc biệt là ngành nông nghiệp.
Theo bà Nguyễn Thị Luyến, Phó trưởng Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong liên kết kinh doanh hợp tác xã sẽ đảm bảo ổn định về quá trình sản xuất giữa các bên gồm người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp.
"Người nông dân chỉ sản xuất và tiêu thụ ra thị trường ngay thì sẽ là sản phẩm thô; Khi có liên kết thì sẽ có khâu chế biến tùy từng mức độ, nhu cầu của thị trường sẽ phân cấp cho các loại sản phẩm cuối cùng khác nhau. Theo đó, vai trò của liên kết kinh doanh và hợp tác xã được thể hiện trong quá trình tăng giá trị gia tăng cũng như chất lượng của sản phẩm trong từng khâu công đoạn liên kết. Ngoài ra, sẽ đảm bảo chia sẻ lợi ích về rủi ro giữa các bên khi có biến động xảy ra" - bà Luyến cho biết.
Ông Phạm Minh Điển, Phó Trưởng ban, Ban Chính sách và phát triển hợp tác xã, Liên Minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, để thúc phát triển hợp tác xã, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ bằng các nghị định, thông tư. Theo đó, hợp tác xã được hỗ trợ về vốn, đào tạo nguồn nhân lực, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, kỹ thuật công nghệ mới…Song mặc dù vậy, hiện còn tồn tại hạn chế, bất cập trong việc ban hành còn dàn trải, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với nhu cầu thực tế của hợp tác xã…
Ông Phạm Minh Điển nêu quan điểm: "Cần thể chế hóa đầy đủ, cụ thể chính sách hỗ trợ cho các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật; khắc phục được những tồn tại, hạn chế và chương trình hỗ trợ, bố trí ngân sách, nguồn lực ngân sách nhà nước đáp ứng nhu cầu thiết thực vào khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã phù hợp với mục tiêu quốc gia. Việc xây dựng hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ về kinh tế tập thể, hợp tác xã sát phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo đồng bộ có tính khả thi, trên cơ sở đó, bản chất phát huy tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của tổ chức kinh tế tập thể".
Theo thống kê, hiện nay cả nước có trên 17.000 hợp tác xã nông nghiệp với 3,78 triệu thành viên; thu nhập của lao động thường xuyên là 3,4 triệu đồng trong một tháng…/.