Không ai có thể phủ nhận thành tích xuất khẩu nông, lâm và thủy sản năm 2012 như một điểm sáng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, phân tích kỹ vào lượng và giá trị kim ngạch nông sản xuất khẩu mấy năm gần đây, đặc biệt là năm 2012, nhiều chuyên gia vẫn trăn trở lo âu.
Mạnh về lượng
Số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy, xuất khẩu nông, lâm và thủy sản Việt Nam năm 2012 ước đạt 27,54 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 14,99 tỷ USD, tăng 10%; thuỷ sản ước đạt 6,15 tỷ USD, tăng 0,7%; lâm sản chính ước đạt 4,9 tỷ USD, tăng 17,6%.
Cà phê là sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao năm vừa qua (Ảnh: VnEconomy) |
Một số ngành hàng có giá trị xuất khẩu cao như: Gạo, cà phê, cao su, chè, hạt điều, hồ tiêu, gỗ và sản phẩm gỗ, thuỷ sản, sắn và các sản phẩm từ sắn. Nhờ thế, trong năm 2012, ngành nông nghiệp xuất siêu gần 10,6 tỷ USD.
Ngay trong tháng 1/2013, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 2,17 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính ước đạt 1,17 tỷ USD, tăng 46,6%; thủy sản ước đạt 376 triệu USD, tăng 3,5%; lâm sản chính ước đạt 447 triệu USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm trước. Một số nhóm hàng đạt tăng trưởng xuất khẩu cao trong tháng 1 tiếp tục với những cái tên tiêu biểu như: Gạo, cà phê, cao su, chè, hạt điều, hồ tiêu... Tháng 1/2013, ngành nông nghiệp xuất siêu hơn 800 triệu USD.
Theo Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT), trong 5,03% tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế năm 2012, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 0,44 điểm phần trăm, góp động lực quan trọng vào ổn định kinh tế vĩ mô, cải thiện đời sống nhân dân.
TS Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết: Xuất khẩu nông sản của Việt Nam tăng nhanh cả về sản lượng và kim ngạch, tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu trong nhiều năm trở lại đây đạt mức 22-23%/năm. Một số mặt hàng nông sản chủ lực của Việt Nam có thị phần lớn và chiếm vị trí dẫn đầu trong các nước xuất khẩu nông sản như: gạo (đứng thứ 2 thế giới), hồ tiêu (đứng thứ nhất thế giới), hạt điều (đứng thứ 2 thế giới), cà phê (chiếm 40% thị phần)....
Hơn nữa, nông sản Việt Nam đã có mặt ở thị trường hơn 100 quốc gia trên thế giới; ngoài các thị trường truyền thống như Trung Quốc, ASEAN, Nga; nông sản Việt Nam đã thâm nhập thị trường Trung Đông, EU, Hoa Kỳ và Châu Phi.
Giá trị còn khiêm tốn
Mặc dù xét về lượng, xuất khẩu nông sản đã đạt nhiều thành tích nổi bật. Tuy vậy, trong bối cảnh hiện nay, theo TS Võ Văn Quyền, giá trị xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam còn thấp do chất lượng sản phẩm chưa cao, chủng loại còn đơn điệu và chủ yếu là nông sản thô hoặc mới qua sơ chế, nên giá trị gia tăng đem lại còn thấp.
Hay như Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, khi báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình xuất khẩu cá tra, cũng trăn trở rằng, giá xuất khẩu cá tra liên tục thấp hơn giá thành trong thời gian dài. Nguyên nhân căn bản là do chưa tổ chức tốt khâu xuất khẩu, các doanh nghiệp trong nước cạnh tranh lẫn nhau và bị nhà nhập khẩu ép giá. Nhiều chuyên gia khác trong ngành nông nghiệp còn cho rằng, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản của nước ta chưa cao, do mối liên kết lỏng lẻo của các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.
Giá thực tế xuất khẩu một số mặt hàng nông, lâm thủy sản gần đây liên tục giảm. Chẳng hạn, giá gạo xuất khẩu đang tiếp tục có xu hướng giảm. Từ tháng 4/2012 đến nay, gạo 5% tấm của Việt Nam có giá tối thiểu xuất khẩu đã giảm 40 USD/tấn, từ 450 USD/tấn xuống còn 410 USD/tấn. Còn giá trị xuất khẩu cao su tháng 1/2013 đã giảm 5% về giá trị; giá cà phê xuất khẩu trung bình năm 2012 giảm 29,4% so với năm 2011...
Báo cáo về xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 1/2013 của Bộ NN&PTNT cũng cho biết, có một số thị trường sụt giảm cả về lượng và giá trị như Indonesia, Singapore, Senegal,…
Cách nào phát huy thế mạnh?
Theo PGS, TS Võ Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại: Sở dĩ xuất khẩu nông sản đạt giá trị không cao vì chúng ta chủ yếu xuất thô. Nếu nông sản mà chế biến sâu rồi mới xuất khẩu thì sẽ đạt giá trị cao, nhưng ít doanh nghiệp muốn đi theo hướng này vì ngại khó và phải đầu tư lớn, trong khi xuất thô thì thị trường rộng hơn, dễ làm hơn.
Các chuyên gia khuyến cáo cần tăng cường chế biến nông sản để xuất khẩu sản phẩm đạt giá trị cao hơn |
Ông Nam còn chỉ ra rằng, dù xuất khẩu về lượng cao, có thứ hạng trên thế giới, nhưng giá trị lại không tương xứng. Nguyên nhân một phần do tính liên kết giữa các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam yếu. Nếu các DN biết liên kết lâu dài, trước mắt có thể thiệt một chút, lợi ích trong tương lai sẽ rất lớn.
Còn GS, TS Đỗ Đức Bình, Khoa Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế Quốc dân phân tích: Xuất khẩu nông sản đóng góp lớn vào thành tích chung của xuất khẩu năm 2012, nhưng năm 2013 và tiếp theo cần tăng chất lượng lên và để người nông dân được cải thiện, thụ hưởng nhiều hơn. Bởi thực tế người nông dân không được hưởng lợi mấy, chủ yếu là các tổ chức trung gian, thậm chí một số sản phẩm do nông nghiệp tạo ra nhưng các DN nước ngoài thụ hưởng. Đó là điều không nên. Cho nên, ông Bình đề nghị: Nếu có gói cứu trợ kinh tế năm nay, nên hỗ trợ sâu vào nông nghiệp, trước hết là người nông dân, bởi chính nông dân là những người đóng góp rất lớn cho xuất khẩu nông sản nói riêng và thành tích ngành nông nghiệp nói chung.
Không những thế, ông Bình lấy ví dụ: Xuất khẩu gạo luôn ở tốp đầu chỉ là số lượng, còn chất lượng và giá cả đang còn nhiều vấn đề. Để xuất khẩu gạo bền vững, là mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn trong nông nghiệp, thì Việt Nam cần có sự đầu tư rất lớn, có sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành để giúp cho người nông dân, các nhà sản xuất nông nghiệp đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm của mình. Nếu không, sắp tới chúng ta sẽ bị trở ngại rất lớn là sẽ bị hẫng, bởi Ấn Độ đang tuyên bố gạo giá rẻ, như thế Việt Nam có nguy cơ mất thị trường cho gạo. Về giải pháp giúp xuất khẩu gạo bền vững, ông Bình đề nghị phát huy mô hình “cánh đồng mẫu lớn”, kiểm soát dịch bệnh, kiểm soát chất lượng sản phẩm…
Đặc biệt, ông Bình lưu ý: Hàng nông sản của Việt Nam khi xuất khẩu ngày càng đối mặt nhiều rào cản ở nước ngoài, các thị trường lớn thì rào cản càng tinh vi. Do đó, để vượt rào cản, một mặt khi đàm phán phải tìm cách để gỡ bỏ những rào cản phi lý, các rào cản hợp lý thì phải chấp nhận. Khi chấp nhận thì về phải tuyên truyền, quảng bá cho người sản xuất, đặc biệt là những người nông dân hiểu đó là những chuẩn mực quốc tế phải chấp hành.
Để điểm sáng xuất khẩu nông sản của năm 2012 tiếp tục phát huy sang những năm tiếp theo, theo TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), “trong nông nghiệp lâu nay mới chỉ phát triển những gì chúng ta sẵn có, như đất đai, nước, tài nguyên và lao động. Để phát triển theo chiều sâu, phải xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học công nghệ; phải thu hút lao động có chất xám, tăng cường khả năng quản lý thì nông nghiệp Việt Nam sẽ tạo ra được một đột phá mới. Điều đó phụ thuộc vào cả Chính phủ và nhân dân”.
Tại hội nghị trực tuyến tổng kết ngành nông nghiệp 2012 và triển khai kế hoạch năm 2013, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định: năm 2013 nông nghiệp tiếp tục là nòng cốt, trụ cột của nền kinh tế, là chỗ dựa lớn của người lao động. Chính phủ tiếp tục ưu tiên vốn ngân sách nhà nước, tín dụng cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo, ngành nông nghiệp cần hoàn thiện và làm tốt công tác quy hoạch để gắn sản xuất, chế biến với tiêu thụ; thường xuyên nắm bắt nhanh tình hình thị trường, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào khâu giống. Về hướng đi trong tương lai, ngành nông nghiệp phải thực hiện mục tiêu cơ cấu giảm, lao động giảm nhưng giá trị phải tăng.
Nhấn mạnh đến tiêu chuẩn hàng nông sản khi xuất khẩu, TS Võ Văn Quyền đề xuất: Cần triển khai xây dựng tiêu chuẩn và quy chuẩn các mặt hàng nông lâm thủy sản xuất khẩu để nâng cao chất lượng, hiệu quả xuất khẩu; hợp tác với các nước có cùng mặt hàng xuất khẩu để tăng cường hiệu quả xuất khẩu; Xây dựng và phát triển thương hiệu cho các mặt hàng nông sản Việt Nam. Trước mắt, cần định hướng lựa chọn một số thương hiệu chủ lực cho các mặt hàng nông sản đang có thế mạnh trên thị trường thế giới như gạo, cà phê, hồ tiêu, hạt điều... để có thể xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài.../.