Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, một câu hỏi nhóm nghiên cứu thường xuyên nhận được trong quá trình thực hiện Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cũng là băn khoăn của không ít các tỉnh, thành phố là: Liệu cải thiện PCI có giúp địa phương tăng cường thu hút đầu tư, phát triển kinh tế hay không?
PCI cải thiện 1 điểm, tỉ lệ doanh nghiệp thành lập mới tăng 2,7%
Trong báo cáo PCI 2016, nhóm nghiên cứu cho biết có bằng chứng thống kê rõ ràng về mối quan hệ chặt chẽ giữa các nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành và sự phát triển của khu vực tư nhân. Các nhà đầu tư ban đầu tạo ra các cơ hội và thị trường, đến lượt nó, những cơ hội và thị trường này lại tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới hình thành.
Có mối quan hệ giữa những thay đổi trong bộ chỉ số PCI gốc và số lượng doanh nghiệp mới đăng ký ở một tỉnh (ảnh minh họa: KT). |
Và như vậy, nhờ các tác động tích lũy theo thời gian, những địa phương nào tập trung cải thiện chất lượng điều hành hôm nay sẽ xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi hơn cho cộng đồng doanh nghiệp sau này.
Cụ thể, theo ông Tuấn, phân tích mối quan hệ giữa những thay đổi trong bộ chỉ số PCI gốc và số lượng doanh nghiệp mới đăng ký ở một tỉnh (sau khi tính toán những ảnh hưởng của các yếu tố cơ bản như dân số, quy mô kinh tế, cơ sở hạ tầng và đô thị hóa) thấy rằng một điểm cải thiện trong chỉ số PCI gốc sẽ giúp tăng tỉ lệ doanh nghiệp thành lập mới lên 2,7%.
Ông Tuấn cho rằng “con số này tuy lớn nhưng mới chỉ là thành quả ngắn hạn của những nỗ lực cải thiện chất lượng điều hành trong năm sau cải cách. Cải thiện chất lượng điều hành kinh tế còn có các tác động dài hạn. Mô hình thống kê được sử dụng trong PCI 2016 còn có thể tính toán hiệu ứng dài hạn này. Đó là, tăng một điểm trong PCI sẽ giúp tăng thêm doanh nghiệp thành lập mới lên 3% trong 10 năm tiếp theo”.
Qua đánh giá vai trò của các chỉ số thành phần PCI (gồm: chi phí gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, tính minh bạch, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, tính năng động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, đào tạo lao động, thiết chế pháp lý) trong mối quan hệ giữa chất lượng điều hành và hoạt động kinh tế, các chuyên gia khảo sát PCI 2016 khuyến nghị: để thúc đẩy hoạt động kinh tế, các địa phương nên chú trọng tăng cường khả năng tiếp cận đất đai, cải thiện tính minh bạch và nâng cao chất lượng đào tạo lao động. Ngoài ra, cần cải thiện chỉ số cạnh tranh bình đẳng và giảm thiểu các chi phí không chính thức.
Bởi vì, theo ông Đậu Anh Tuấn, “tất cả các lĩnh vực này đều có tác động lớn trong ngắn hạn. Cụ thể, tăng một điểm trong chỉ số Tiếp cận đất đai hay Đào tạo lao động sẽ giúp tăng thêm 12% doanh nghiệp mới đăng ký".
Lấy môi trường kinh doanh thuận lợi để bù đắp bất lợi hạ tầng và vị trí địa lý
Qua khảo sát cũng cho thấy, khi lựa chọn địa phương để mở rộng sản xuất kinh doanh, các nhà đầu tư thường cân nhắc nhiều yếu tố bao gồm: cơ hội kinh doanh, vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng, quy mô thị trường, chi phí, chất lượng lao động…, trong đó, chất lượng điều hành chỉ là một yếu tố.
“Việc xem xét các yếu tố lựa chọn của doanh nghiệp sẽ phần nào giúp địa phương nhìn nhận rõ hơn các lợi thế và hạn chế của mình, để đưa ra các chính sách thu hút đầu tư tốt hơn” - ông Tuấn lưu ý.
PCI: Đà Nẵng tiếp tục dẫn đầu, Hà Nội vươn lên vị trí 14/63
Tuy nhiên, đối với Đà Nẵng, thành phố có tới 7 lần đứng đầu bảng xếp hạng PCI, chất lượng điều hành tốt đang giúp Đà Nẵng thu hút được tới 65% số nhà đầu tư tiềm năng.
Ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đánh giá: "Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI là thước đo quan trọng để đánh giá năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh, chất lượng điều hành kinh tế và các nỗ lực cải cách hành chính của các cấp chính quyền địa phương".
Đà Nẵng cũng ý thức rất rõ rằng, "không phải PCI cao là tất cả đều tốt, mà cần phải tiếp tục rà soát, đánh giá để cải thiện nhiều hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh sao cho thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn. Nếu tự mãn, bằng lòng dừng lại chắc chắn sẽ bị tụt hậu, không chỉ với các địa phương bạn và ngay cả với chính mình" - ông Nguyễn Xuân Anh khẳng định.
Hay đối với trường hợp của Lào Cai, một địa phương miền núi với vị trí kém thuận lợi, khoảng cách khá xa các thành phố lớn, cơ sở hạ tầng hạn chế hơn, nhưng cũng nằm trong nhóm 10 tỉnh thành hấp dẫn về đầu tư. Yếu tố môi trường kinh doanh thuận lợi, chất lượng điều hành tốt chính là 1 trong 3 lợi thế hàng đầu để Lào Cai thu hút đầu tư (cao hơn cả yếu tố cơ sở hạ tầng và chất lượng nguồn lao động).
Ông Đậu Anh Tuấn còn cho hay: phân tích dữ liệu PCI 11 năm qua khẳng định rằng cải thiện chất lượng điều hành kinh tế, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, thủ tục hành chính thông thoáng sẽ đem lại những lợi ích lâu dài cho các địa phương, thậm chí còn góp phần khắc phục những hạn chế, bất lợi về vị trí địa lý hay các điều kiện hạ tầng./.
Phí ‘bôi trơn” của doanh nghiệp không giảm, thậm chí xu hướng tăng
Loại bỏ chi phí “bôi trơn“ bằng cách nào?
Chi phí ‘bôi trơn’ tiếp tục tăng, doanh nghiệp Việt ngại lớn
28% doanh nghiệp vẫn phải chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục hải quan