Nói là “ông chủ” chứ Nguyễn Cao Đạt mới khởi nghiệp được 2 năm và đang là “con nợ” của ngân hàng. Nhưng Đạt mạnh dạn hơn những thanh niên khác và tự tin với kế hoạch chăn nuôi và kinh doanh của mình. Trang trại cá tầm của chàng trai 28 tuổi, nằm dưới chân dãy núi Tam Đảo (sườn đông) thuộc xóm Kẹm, xã La Bằng, huyện Đại Từ, Thái Nguyên. 

dai_tu_1_xyik.jpg
Trang trại nuôi cá tầm của Nguyễn Cao Đạt
Trang trại cá tầm La Bằng bắt đầu được hình thành nên bởi một kỹ sư thủy sản ở thành phố Thái Nguyên vào năm 2010 bằng cách chặn dòng để đưa nước suối mát lạnh từ trên núi, dẫn thẳng vào các bể nuôi. 2 năm trước đây, khi những con đường nông thôn mới được hình thành, giao thông đi lại thuận lợi, Đạt quyết định mua lại trang trại này với số vốn hơn 1 tỷ đồng, trong đó 80% là vốn vay ngân hàng. 
Đạt không muốn gọi mình là "ông chủ" vì sự nghiệp mới chỉ bắt đầu

Không rời bỏ quê hương như cách mà nhiều thanh niên ở đây đang làm để về các thành phố lớn mưu sinh, hoặc làm công nhân khu công nghiệp, Đạt mong muốn lập nghiệp ngay ở quê mình. Anh bàn với vợ, quyết chí vay ngân hàng để đầu tư vào trang trại. Từ bé sống gần con suối, khí hậu mát mẻ quanh năm,  chàng trai hiểu rõ tiềm năng và tính khả thi của dự án.

Những con cá tầm lên đến 30kg ở trang trại của Đạt

Hiện nay, 13 bể nuôi cá tầm La Bằng của Đạt luôn duy trì từ 5000-6000 con cá. Con to nhất khoảng 30kg. Nguồn cá giống được Đạt chọn mua từ Sapa (Lào Cai) và Lai Châu với kích cỡ từ 12 đến 13cm. Học cách chăm sóc cá tỉ mỉ từ thức ăn cho đến giờ ăn, những con cá tầm ở đây, từ lúc thả nuôi cho đến lúc xuất bán, không mắc một loại bệnh nào.

Giá cá thịt trung bình (dưới 5kg) khoảng 270-300/kg. Cá to trên 10 kg là 500-600/kg. Hầu hết cá nuôi ở trang trại La Bằng chỉ đủ phục vụ tại chỗ hoặc nhu cầu mua về của thực khách, không đủ để bán ra ngoài. 

Trang trại nằm giữa những đồi chè xanh mướt ở xã La Bằng
Hỏi Đạt về kế hoạch mở rộng bể nuôi để có nguồn cá cho thị trường, Nguyễn Cao Đạt cho biết: “Em vẫn muốn phục vụ khách tại chỗ để họ thấy được sự tươi ngon của cá La Bằng. Đưa ra ngoài, có thể lẫn với cá không rõ nguồn gốc, làm mất thương hiệu. Do đó, nếu có thêm vốn và mở rộng sản xuất, em sẽ đầu tư thêm lán trại, tôn tạo cảnh quan để thật sự trở thành một điểm đến hấp dẫn”.

Sau 2 năm đầu tư, trừ đi chi phí, mỗi năm, “ông chủ” trẻ cũng thu về lợi nhuận trên dưới 200 triệu đồng. 

Trang trại cá tầm La Bằng nằm cách quốc lộ 37 khoảng 8km, giữa những đồi chè xanh mướt, kề bên một con suối rì rào quanh năm. Thực khách đến đây không chỉ thưởng thức món cá tầm giòn, dai, thơm phức mà còn được ngắm cảnh sắc thơ mộng.

Những ngày nắng nóng, hàng trăm du khách đổ về đây tắm suối và trang trại cá tầm La Bằng cũng được nhiều người biết đến.

Những trang trại nuôi cá ngày càng nhiều dưới sườn đông dãy Tam Đảo (Trong ảnh: Người dân nuôi cá lồng ở hồ chứa nước)
Sườn đông dãy núi Tam Đảo thuộc huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, trải dài qua 8 xã. Khi những con được dọc ngang được mở ra, tiềm năng nơi đây được đánh thức. Không chỉ nuôi cá tầm mà những trang trại nuôi cá Anh Vũ, nuôi trai lấy ngọc, trang trại cây ăn quả trù phú cũng được hình thành.

Chính quyền nơi đây mong muốn sẽ xây dựng một quy hoạch tổng thể để phát triển kinh tế du lịch, cải thiện đời sống cho bà con nông dân (vốn chỉ quen với nghề chè, nghề lúa), giống như sườn tây Tam Đảo (khu du lịch thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Nhưng dứt khoát, phát triển gì cũng phải dựa trên quy hoạch tổng  thể, không manh mún và tự phát./.