Thôn Bắc Văn, xã Thạch Văn, huyện Thạch Hà là vùng cát hoang hóa lâu năm. Một số hộ dân đã mạnh dạn chuyển chuồng trại ra rừng keo chăn nuôi theo hướng gà bán thả rông. |
Sau một vài lứa nuôi cho hiệu quả, nhiều hộ dân theo nhau áp dụng và đến nay, có 6 hộ đã nuôi gà bán thả rông với tổng diện tích khoảng trên 20 ha. Điều đáng mừng là gà nuôi bán thả rông trên đất cát trồng keo phát triển tốt, không ô nhiễm môi trường và đặc biệt là cho thu nhập rất cao. |
Anh Nguyễn Văn Cương - một trong những hộ nuôi đầu tiên, cho biết, gia đình đang nuôi 16 rặc gà trong diện tích hơn 3 ha keo. Mỗi năm 3 lứa, mỗi lứa hơn 5.000 con. Tính ra, 1 năm xuất chuồng 15.000 con, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu nhập khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm. |
Đặc biệt, với hình thức nuôi bán tự nhiên này, thịt gà rất săn chắc và thơm ngon, được mệnh danh là gà "đi bộ". Với "thương hiệu" và chất lượng đó, anh đã tạo được nguồn cung cấp ổn định vào các nhà trường và nhà hàng, khách sạn ở thành phố Hà Tĩnh trong nhiều năm nay. |
Tại xã Kỳ Hoa, thị xã Kỳ Anh, tận dụng nguồn nước sạch, người dân xây dựng mô hình sản xuất cá lồng. Quy mô mỗi hộ 12 lồng với diện tích mặt nước 500m2, mỗi năm một hộ thu hàng chục tấn cá, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. |
Cá hồng Mỹ đang vào kỳ thu hoạch với giá bán 60.000 đồng/kg. |
Nhiều hộ dân khác cũng đang tận dụng lợi thế dòng sông, vừa tham gia đánh bắt thủy sản, vừa phát triển đàn vịt, cho thu nhập khá. |
Anh Nguyễn Văn Trợ cũng đang nuôi thành công 8 rặc gà thả rông. Cùng với gà, anh Trợ còn nuôi 4.000 con vịt đẻ, cho thu hoạch mỗi tháng gần 100.000 quả trứng. Anh cho biết, mỗi năm, thu hoạch khoảng 20 tấn gà và 1 rặc vịt đẻ, trừ chi phí, thu lãi khoảng 300 - 400 triệu đồng. |
Hiện xã Kỳ Hoa có 9 hộ nuôi gà theo tổ hợp tác, với quy mô từ 100-500 con; 1 hộ nuôi gà mía thương phẩm quy mô 5.000 con/lứa. |
Hiện tại, xã có 32 mô hình đạt hiệu quả kinh tế khá cao, trong đó có 2 mô hình đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng/năm./. |