VOV.VN đã có những phân tích cho thấy thực trạng tiêu thụ nông sản Việt khó khăn, xúc tiến thương mại kém hiệu quả. Nhiều hội thảo của các cấp, bộ ngành đã bàn nhiều giải pháp, nhưng đến nay đầu ra của nông sản Việt vẫn “bí”.
Trách nhiệm để xảy ra thực trạng này thì dường như vẫn như quả bóng được chuyền chân.
Vì thế, nhiều nông sản Việt gặp khó khăn khi tiêu thụ mấy năm gần đây đang vẽ bức tranh vừa rối vừa tối cửa ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt sang năm 2015 này, xuất hiện liên tiếp các phong trào người Việt mua nông sản kiểu hỗ trợ… để giải cứu cho nông dân.
Cơ hội “vàng” được vẽ trên giấy
Nói bức tranh ngành nông nghiệp đang trở nên rối và tối bởi nhiều lẽ. Trong đó, trước hết là nghịch lý giữa những cơ hội “vàng” liên tiếp được vẽ ra trên giấy (tại các hội thảo của cả nhà khoa học, nhà quản lý, nhà doanh nghiệp…) với thực tế được mùa rớt giá, được giá mất mùa của nhiều nông sản.
Câu chuyện tiêu thụ dưa hấu dường như đang trở thành “chu kỳ buồn” của nhà nông vài năm nay thì giờ nối tiếp thêm cảnh nông dân “tím tái” vì hành tím, diêm dân “mặn đắng” vì muối, hay cảnh trẻ em Việt phải uống sữa đắt nhất nhì thế giới, thậm chí không có sữa uống thì không ít nông dân Việt lại lâm cảnh đổ sữa ra đường do không có nơi tiêu thụ….
Tất nhiên, bên cạnh những nông sản này, nông dân Việt Nam hẳn đã nhiều lần quặn lòng, rơi lệ nhìn sản phẩm làm ra ế ẩm, bị thị trường ngược đãi, thương lái o ép, thậm chí cả doanh nghiệp “dìm hàng” ép giá… Cảnh đó không khó gặp đây đó trên đồng mía, đồng lúa; trong rẫy cà phê, rẫy tiêu; trong vườn cao su, vườn điều; trên những luống dưa bao tử, dưa chuột…
Những chuyện này không còn là những mẩu tin, những bình luận thời sự trên mặt báo chí để giới thị thành đọc lướt cho biết nữa, nó đã trở nên nghiêm trọng khi là chủ đề râm ran ngao ngán không chỉ của chính nông dân đây đó khắp 3 miền Bắc, Trung và Nam, mà còn cả sự xót xa hiện lên mặt của những cư dân trong các văn phòng công sở, trong trường học, xí nghiệp… khi nói về nông sản Việt. Sự ngao ngán này không chỉ là hệ lụy buồn của kết quả mùa vụ, mà hơn thế, nó là niềm tin của người nông dân vào cây trồng, vật nuôi; là niềm tin và sự định hướng cho sản xuất của cơ quan công quyền liên quan.
Niềm tin đó sẽ không được củng cố và duy trì nếu cảnh huy hoàng của thị trường cho nông sản Việt vẫn cứ mãi ở thì tương lai, là lời hứa, là khẩu hiệu treo đâu đó, được rao rảng đâu đó, bởi ai đó.
Nói thế không phải đổ hết cái sự bế tắc đầu ra của nông sản cho người định hướng. Vì thực tế, khi nông sản được mùa rớt giá, thậm chí có thị trường mà hàng không đảm bảo tiêu chuẩn để gia nhập thị trường, còn có phần do chính người nông dân đây đó cũng tự xé rào kỹ thuật canh tác, tự phát nuôi trồng chạy theo đám đông, rồi đám đông chỗ này lại chạy theo đám đông chỗ khác để trở thành những phong trào phát triển cây trồng vật nuôi dựa trên nền kiến thức “nghe họ nói làm được…”, hoặc “thấy bảo làm thế sẽ tốt…”.
Trong số hàng triệu nông dân đang nuôi con gì, trồng cây gì đó với kỳ vọng đủ sống, bớt nghèo (hoặc cũng có người ước vọng làm giàu và làm ăn lớn từ đồng ruộng), cũng có những người tin tưởng và làm theo định hướng sản xuất từ một tổ chức chính thống nào đó của nhà nước; cũng có những người biết chọn lọc thông tin, nghe ngóng tình hình, tham vấn chỗ này chỗ kia, học hỏi kinh nghiệm từ nuôi trồng để mà quyết định việc làm của mình.
Nhưng cũng có không ít người nông dân sản xuất kiểu làm liều, làm cầu may nhờ “mưa thuận, gió hòa”, thậm chí kể cả sản xuất kiểu “mình có sức sợ gì không làm được…”
“Tắc” cả cơ chế chịu trách nhiệm?
Thực tế của thời đại thông tin như vũ bão, công nghệ phát triển từng giờ, thị trường rộng mở hội nhập toàn cầu, nếu cứ mãi sản xuất kiểu cầu may, cần cù làm liều, làm theo kinh nghiệm xưa cũ… không hẳn đã là hay, trong một số trường hợp chắc chắn sẽ là dở.
Vậy cái hay phải phát huy thế nào? Cái dở phải khắc phục ra sao? Những câu hỏi này bản thân mỗi người nông dân khó có thể tự trả lời rành rọt và có chất lượng phục vụ cho mùa vụ tiếp theo, sau những thất bát hay thắng lợi. Chắc chắn họ cần những tổ chức, trước hết là vai trò chủ đạo của các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, sau đó mới là nhờ xã hội hóa, sự tham gia của các doanh nghiệp, tổ chức xã hội khác… đứng ra lý giải cho họ hiểu, chỉ cho họ thấy cái hay cái dở và cách để hay hơn và bớt dở.
Bên cạnh đó, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, Việt Nam cần lắm những đánh giá một cách khoa học và thực tiễn về những nguyên nhân của những thất bại trong tiêu thụ nông sản, chỉ ra đích danh ai là tác giả của những thất bại đó? Dù là cán bộ, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp hay nông dân thì cũng phải chỉ rõ, quy trách nhiệm rõ (tất nhiên nên loại bỏ kiểu quy trách nhiệm: rút kinh nghiệm, hoặc rút kinh nghiệm sâu sắc, bài học kinh nghiệm... một cách vô trách nhiệm!) và có cách khắc phục.
Vì nước ta có nhiều Bộ, ngành, Viện nghiên cứu, trường đại học… liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Hằng năm nhà nước bỏ ra nhiều nghìn tỷ đồng ngân sách chi cho nghiên cứu, cho hội họp, cho xúc tiến thương mại… tại sao bế tắc mãi vẫn tiếp nối bế tắc?
Qua những điệp khúc “tắc đầu ra” của nông sản mấy năm gần đầy, thấy nhãn tiền một điểm tắc của mọi điểm tắc đang nằm trong câu hỏi rằng: Tại sao không thấy ai phải chịu trách nhiệm, hoặc không thấy cơ quan, tổ chức nào đứng ra truy trách nhiệm ai đó đã để ra nông nỗi?
Thiết nghĩ, nếu vẫn tắc việc truy trách nhiệm và tắc văn hóa nhận trách nhiệm khi để xảy ra sự vụ, chắc chắn những cái tắc khác sẽ còn tiếp diễn, thậm chí có khi còn ngày càng nghiêm trọng hơn. Truy trách nhiệm và nhận trách nhiệm rõ ràng là một thứ văn hóa không thể thiếu của những con người có liêm sỉ. Thời đại cạnh tranh toàn cầu ngày càng tăng, liêm sỉ ấy càng phải được duy trì để mưu cầu sự phát triển thực chất. Nếu không làm được như thế, con đường hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam riêng trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ còn nhiều chông gai, và gian khó sẽ tăng khi hội nhập càng sâu rộng thì cạnh tranh càng gay gắt./.