Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay Việt Nam có quan hệ thương mại ổn định với hơn 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc ký kết các hiệp định song phương và đa phương góp phần tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất trong nước, tạo việc làm tăng thu nhập cho nông dân.
Thời gian qua, tỷ trọng xuất khẩu nông sản trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước luôn ổn định ở mức cao, đạt 26% - 27%. Nông nghiệp cũng là ngành duy nhất xuất siêu ra thị trường thế giới với mức 8,5 tỷ USD năm 2013, và 9,5 tỷ USD trong năm ngoái. Hiện Việt Nam có 10 sản phẩm nông sản xuất khẩu với kim ngạch hơn 1 tỷ USD.
Theo ý kiến của các chuyên gia, đàm phán trong lĩnh vực nông nghiệp hiện nay cần chuyển từ thế bị động sang chủ động, trên cơ sở phát huy thế mạnh và tận dụng cơ hội, đồng thời chủ động đối mặt với các thách thức mà hội nhập mang lại.
Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, năng lực quản lý của cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp còn thấp là do chưa thực sự hiểu sâu về hội nhập kinh tế quốc tế và chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực này.
Theo ông Long, thế mạnh của Việt Nam ở lĩnh vực nào thì phải tập trung vào lĩnh vực đó, đồng thời lồng ghép và áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến theo tiêu chuẩn phù hợp với thông lệ quốc tế để nông sản xuất khẩu có nguồn gốc rõ ràng, đáp ứng những yêu cầu mà các thị trường trên thế giới đòi hỏi./.