Các nhà máy mía đường ở khu vực Tây Nguyên đang phải đối mặt với khó khăn vì Hiệp định tự do thương mại ASEAN có hiệu lực, giá bán mặt hàng đường giảm xuống dưới 11.000 đồng/kg. Để ứng phó với tình trạng khó khăn, các nhà máy mía đường Đắk Lắk đã chủ động liên kết với nông dân, chuyển hẳn nhà máy về trung tâm vùng nguyên liệu, nâng công suất chế biến thô. Các nhà máy đã từng bước cùng nông dân vượt qua khó khăn. 

vov_2_mia_zpuu.jpg
Sản lượng mía năm nay ở vùng Ea Súp tăng 10-15%.

Vụ mía năm nay, gia đình chị Hoàng Thị Hiền, ở thôn 7, xã Ya Tờ Mốt, huyện biên giới Ea Súp, liên kết với Công ty CP mía đường Đắk Lắk trồng 30 ha. Dù giá mía giảm hơn 20% so với vụ trước, nhưng nhờ năng suất tăng cao, quãng đường vận chuyển đến nhà máy giảm từ hơn 100km xuống còn 2km, nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Bởi vậy, gia đình vẫn lãi khoảng 300 triệu đồng.

"Giá mía như hiện nay, nhà nào thu hoạch từ 80-100 tấn/ha, trừ đi các khoản chi phí thì người trồng mía cũng vẫn có lãi khoảng 10 triệu đồng/ha" - chị Hoàng Thị Hiền cho biết.

Ông Đinh Hữu Kim, ở thôn 11, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp, cũng liên kết với Công ty CP mía đường Đắk Lắk trồng 20 ha. Ông Kim chia sẻ, mọi năm, giá mía có cao hơn nhưng do phải chở mía ra tận nhà máy ở huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông, xa hơn 100km nên lợi nhuận thu được cũng không còn nhiều. Năm nay, giá mía giảm năng suất lại tăng khoảng 10-15%; nhà máy ở gần nên vận chuyển thuận lợi tiết kiệm được chi phí.

Niên vụ mía 2017-2018, Công ty CP mía đường Đắk Lắk liên kết với gần 4.000 hộ nông dân ở các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk và Chư Prông của tỉnh Gia Lai, trồng hơn 5.100 ha mía nguyên liệu, trong đó huyện Ea Súp là trọng điểm với hơn 4.000 ha.

Doanh nghiệp và nông dân liên kết trong đầu tư, thu mua mía.

Theo ông Nguyễn Bảo Lộc, Phó Tổng giám đốc Công ty CP mía đường Đắk Lắk, vụ mía năm nay, Công ty dự kiến ép khoảng 320.000 tấn mía cây, sản lượng đường đạt 30.000-32.000 tấn. Với giá bán đường xấp xỉ 11.000 đồng/kg như hiện nay, công ty chỉ đủ bù đắp chi phí sản xuất, kinh doanh. Bù lại, giá mía của nông dân vẫn được đảm bảo ở mức 800.000 đồng/tấn, cao hơn đáng kể so với các nhà máy trong khu vực và đảm bảo nông dân có lợi nhuận trong tình thế khó khăn hiện nay. Qua đó, nông dân tiếp tục gắn bó với doanh nghiệp, phát triển bền vững vùng nguyên liệu./.