Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở tỉnh Quảng Nam đã mạnh dạn cải tạo đất để trồng lúa tím than, xây dựng thương hiệu, hướng đến đạt chuẩn sản phẩm OCOP. Gạo tím than có lợi đối với người ăn kiêng, bị bệnh lý cao áp huyết, tim mạch, tiểu đường, có tác dụng bổ máu, gan, thận... Gạo tím than có thể dùng nấu cơm hoặc chế biến trà... được thị trường ưa chuộng. Sau 2 năm canh tác cho thấy, lúa tím than đạt năng suất gấp nhiều lần so với giống lúa truyền thống và giá trị kinh tế cao.

Năm 2019, bà Lê Thị Thanh Nga thuê gần 2 héc ta đất trên cánh đồng “Lò gạch cũ” gần nhà ở xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam để trồng thử nghiệm 7 giống lúa tím than và giống lúa đen theo phương thức sản xuất hữu cơ. Quy trình chăm sóc lúa được thực hiện nghiêm ngặt, bón bằng phân hữu cơ vi sinh và sử dụng chế phẩm từ ớt, tỏi, riềng… để phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm trên đồng ruộng. Gạo tím than có giá trị và sản lượng đạt năng suất cao gấp nhiều lần so với trồng lúa cũ. Gạo có độ xốp, mềm, dẻo, không cần ngâm trước khi nấu và là rất tốt cho sức khỏe.

Cứ sau mỗi vụ thu hoạch sản lượng đạt năng suất cao, bà Nga tiếp tục mở rộng diện tích canh tác lúa lên 5 ha. Năm nay, bà Lê Thị Thanh Nga sản xuất, cung ứng ra thị trường 40 tấn gạo tím than thương phẩm và một số sản phẩm từ loại gạo đặc sản này như: sữa gạo đen, rượu gạo đen, trà gạo đen… tổng doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng. Cơ sở sản xuất lúa tím than kết hợp kinh doanh trải nghiệm trồng lúa sạch, ăn uống giải khát... tại khu vực “Lò Gạch cũ” tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động ở địa phương.

Bà Lê Thị Thanh Nga cho biết, từ kinh nghiệm của mình sẽ hỗ trợ người dân địa phương cách trồng lúa tím than: "Đến 90% khách hàng đều mua sản phẩm mang về. Cánh đồng này mình trồng gạo tím than luôn để khách vừa đến xem mô hình sản xuất gạo, vừa xem được lò gạch. Hiệu quả rất nhiều so với trồng lúa trắng. Sản xuất gạo tím than, sau đó mình chế biến các sản phẩm như trà gạo, rượu gạo, sữa gạo, sinh tố gạo, lời từ những sản phẩm. Bạn nào thực sự quan tâm về nông nghiệp sạch muốn khởi nghiệp mời đến đây nuôi các bạn ăn ở và đào tạo cho các bạn hoàn toàn miễn phí.”

Mô hình trồng lúa tím than hữu cơ của bà Lê Thị Thanh Nga cho ra sản phẩm chất lượng cao, góp phần thay đổi suy nghĩ của người dân về sản xuất sạch, hữu cơ theo hướng bảo vệ môi trường. Thương hiệu gạo tím than “Lò gạch cũ” của bà Lê Thị Thanh Nga vừa được UBND huyện Duy Xuyên thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp huyện và đang tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ông Phan Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam cho biết: Cơ sở này nằm gần một lò gạch cũ nên thu hút nhiều khách tham quan trải nghiệm cuộc sống làng quê và thưởng thức các loại sản phẩm từ gạo như trà gạo, sữa gạo, rượu gạo. Mục tiêu của UBND huyện là khuyến khích nông dân mở rộng thêm diện tích trồng, đồng thời tìm kiếm nhiều đối tác bao tiêu sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo ông Cảnh, mô hình này đã phát huy hiệu quả, nâng cao được giá trị trên đơn vị diện tích, từ đó nâng cao thu nhập của người dân. Gạo tím than ở Duy Vinh tạo ra một thương hiệu và hiệu quả thì rất cao. Nếu chúng ta phát triển được các dịch vụ kèm theo đưa thương hiệu gạo tím than của Duy Xuyên có một chỗ đứng trên thị trường. Các sản phẩm từ gạo tím than phục vụ cho trải nghiệm phát triển du lịch trong thời gian đến, gắn với giữa nông nghiệp và du lịch. 

Tỉnh Quảng Nam đang khuyến khích các địa phương phát triển sản phẩm OCOP. Hiện nay đã có gần 300 sản phẩm OCOP và dự định năm 2022 sẽ xúc tiến phù hợp trong nước và quốc tế để phát triển sản phẩm nông nghiệp cũng như sản phẩm OCOP trên toàn tỉnh. Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Các ngành chức năng của tỉnh luôn đồng hành hỗ trợ nông dân trong việc liên kết bao tiêu, đổi mới mẫu mã, nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ mà sản phẩm từ giống lúa tím than là ví dụ. 

Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam nêu thực tế, lúa tím than tại huyện Duy Xuyên là một trong những sản phẩm được khách hàng rất ưa chuộng. Từ lúa mà ra rất nhiều sản phẩm tiêu dùng cho con người như gạo, bánh, rượu... Những cây bản địa mà năng suất cao đem lại giá trị cao khuyến khích, đặc biệt trong đó có những giống lúa tím than sẽ nhân rộng. Bên cạnh đó, hỗ trợ đầu ra cho bà con, ví dụ liên kết chuỗi, hỗ trợ bán sản phẩm và hỗ trợ đến thương mại điện tử cho những sản phẩm./.