- Nông dân ĐBSCL bán mía chạy lũ
- Nông dân Tây Ninh phá mía để trồng sắn
- Tái diễn tình trạng tranh mua mía nguyên liệu
Có sự móc ngoặc gây khó cho dân?
Người trồng mía ở các huyện Ia Pa, Krông Pa, Phú Thiện và thị xã Ayun Pa của tỉnh Gia Lai đang rơi vào tỉnh cảnh khốn đốn vì hàng nghìn ha mía đang quá mà chưa được tiêu thụ. Ngoài Nhà máy đường Ayun Pa họ không thể bán sản phẩm cho bất kỳ nhà máy nào khác trên địa bàn.
Người dân bị gây khó dễ khi chở mía đi nơi khác bán |
Cùng một xe mía, khi bán cho Nhà máy đường Ayun Pa thì không sao, nhưng chở đi bán ở nơi khác, sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt nặng vì lỗi quá khổ quá tải. Điều này gây rất nhiều bức xúc trong nhân dân.
Toàn vùng nguyên liệu phía Đông-Nam Gia Lai hiện còn khoảng 400.000 tấn mía chưa thu hoạch. Trong khi đó, công suất Nhà máy đường Ayun Pa chỉ 3.200 tấn mía cây/ngày. Để tiêu thụ hết mía nguyên liệu cho cả vùng, nhà máy cần tới gần 4 tháng nữa. Mía quá vụ, đã trổ cờ, làm giảm trữ đường và đối mặt với nguy cơ cháy rất cao. Hơn 2 tháng qua, hơn 150 ha mía đã bị cháy, thiệt hại hàng chục tỷ đồng, khiến nông dân ở đây càng thêm sốt ruột.
Vì sự sốt ruột này, một số người đành chở mía đến các nhà máy cách đó cả trăm cây số để bán, như nhà máy đường Kon Tum hay Phú Yên. Giá thu mua của 2 nhà máy này thường thường cao hơn Nhà máy mía đường Ayun Pa khoảng 4 triệu đồng/xe mía 20 tấn. Thế nhưng khi các hộ dân chở mía ra khỏi địa bàn, lập tức bị Thanh tra giao thông hoặc Cảnh sát giao thông tỉnh Gia Lai xử phạt rất nặng vì lỗi quá khổ quá tải. Tổng tiền phạt và “làm luật” đối với mỗi xe mía hết khoảng 7 triệu đồng.
Trong khi đó, vẫn xe mía ấy, nếu đem bán cho Nhà máy đường Ayun Pa thì mọi việc đều êm xuôi. Thực tế này khiến người dân nghi ngờ có sự móc ngoặc giữa cơ quan chức năng và nhà máy đương Ayun Pa để chèn ép nông dân.
Ông Dương Văn Đăng, thôn Thắng lợi 1, xã Ia Sol, Phú Thiện lo lắng: “Bà con rất bức xúc. Các nhà máy khác giá đường cao hơn, nhưng thương lái và tư nhân mua ép giá. Cho nên bà con chần chừ chờ nhà máy đường có chính sách rõ ràng. Bây giờ cứ tháng này hẹn qua tháng khác. Đầu vụ thì bảo rất cao, ổn định, chỉ trong vòng 4 tháng là hết mía. Nhưng đến bây giờ rút cục lại ngót 3 tháng rồi. Bây giờ diện tích mía ở trong khu Thắng Lợi này mới tiêu thụ được 2/5”.
Dân bị buộc phải phụ thuộc vào nhà máy Ayun Pa…
Theo ông Hồ Đắc Dũng-Phó Tổng Giám đốc Cty CP Mía đường-Nhiệt điện Gia Lai, các huyện Đông-Nam Gia Lai là vùng nguyên liệu độc quyền của công ty, với 80% các hộ trồng mía có ký hợp đồng mua bán nguyên liệu với nhà máy nên không thể bán nguyên liệu ra ngoài.
Chính vì điều này, năm nào cũng thế, khi dân chở mía đi bán nơi khác là Nhà máy đường Ayun Pa lại nhờ các cơ quan chức năng trong tỉnh can thiệp, giúp chấm dứt cảnh “tranh mua tranh bán”.
Ông Hồ Đắc Dũng, phân trần: “Nhiều năm qua đều có mía đi ra ngoài vùng. Việc những nhà máy lân cận thiếu mía thì đi mua mía ngoài. Vì không có đầu tư nên họ mua với giá cao hơn”.
Ngày 28/12/2011, UBND tỉnh Gia Lai chủ trì hội nghị để chỉ đạo xử lý việc mía bị cháy, tranh mua tranh bán nguyên liệu mía tại khu vực này. Trong các giải pháp của tỉnh đưa ra có đề nghị: Sở GTVT chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp với Cảnh sát giao thông triển khai ngay việc tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm đối với các xe mía quá khổ quá tải, kiên quyết buộc phải hạ tải và xử lý theo quy định của pháp luật. Và Thanh tra giao thông tỉnh Gia Lai đã làm đúng tinh thần yêu cầu này, song chỉ xử lý xe mía chở đi xuống Phú Yên hay lên Kon Tum còn xe chở vào Nhà máy đường Ayun Pa thì làm ngơ.
Nông dân rõ ràng đang chịu nhiều thiệt thòi, nhưng chính quyền lại không thể giúp được gì, ngoài việc đề nghị nhà máy đường Ayun Pa đầu tư nâng công suất chế biến. Ông Phạm Nhuần, Phó Chủ tịch thường trực UBND huyện Phú Thiện, cho biết: “Chúng tôi kiến nghị nhà máy đường Ayun Pa tiếp tục đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông nội đồng, nâng mức đầu tư, nâng mức hỗ trợ đầu vào cũng như nâng cao giá thu mua mía để đảm bảo lợi ích hài hòa giữa người trồng mía và nhà máy. Đồng thời có kế hoạch nâng công suất chế biến của nhà máy để đảm bảo thu mua nhanh gọn mía cho dân”.
Việc kêu gọi, đề nghị nhà máy nâng công suất đã được thực hiện từ lâu, nhưng vùng nguyên liệu Đông-Nam Gia Lai vẫn luôn trong tình trạng ứ đọng mía khi vào vụ. Người dân vẫn chẳng thể bán mía ở nơi khác, vì cứ chở đi là dính lỗi quá khổ quá tải. Họ chỉ còn cách chờ Nhà máy Nhà đường Ayun Pa. Và có khi nông dân vẫn bị buộc phải chờ nhà máy thì nhà máy chẳng cần gì phải gấp rút nâng công suất./.