Các dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (thực hiện trên Quốc lộ 14 cũ) đã sắp hoàn thành. Dự kiến, đến tháng 10 năm nay các nhà đầu tư sẽ đưa các trạm thu phí vào hoạt động để thu hồi vốn.
Các doanh nghiệp vận tải đang dõi theo sự ra đời của các trạm thu phí và chuẩn bị kế hoạch tăng giá vé, tăng cước phí vận tải. Nếu điều này xảy ra, hiệu quả thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đối với Tây Nguyên của tuyến quốc lộ này sẽ giảm đáng kể.
Đường Hồ Chí Minh được nâng cấp, mở rộng từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) với tổng chiều dài 553km, gồm 6 dự án trái phiếu chính phủ và 5 dự án BOT. Tính từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến hết địa phận tỉnh Đắc Nông, QL14 qua Tây Nguyên có tổng chiều dài 460km.
Sau khi hoàn thành, trên đoạn này sẽ có 5 trạm thu phí BOT được đặt ở Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông, trong đó riêng 150km qua tỉnh Đắc Nông có đến 3 trạm.
Về mức thu, các trạm đều được thu cao gấp 2 đến hơn 2,5 lần so với mức bình thường. Như vậy, nếu tính thêm 5 trạm từ cầu Bình Triệu (TPHCM) đến thị xã Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước) thì mỗi phương tiện từ Kon Tum, Gia Lai đi TPHCM phải qua 10 trạm thu phí.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc hãng xe vận tải hành khách Hồng Hải chạy tuyến Pleiku-Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc thành lập các trạm thu phí dày đặc và thu với mức cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Các doanh nghiệp vận tải buộc phải tăng giá cước vận chuyển hàng hóa và tăng giá vé đối với việc vận tải hành khách. Thiệt thòi cuối cùng vẫn là người người dân.
Theo tính toán của các hãng vận tải hành khách, khi QL 14 –đường Hồ Chí Minh hoàn thành, 10 trạm thu phí trên tuyến Gia Lai-thành phố Hồ Chí Minh đi vào hoạt động, tổng chi phí qua trạm của mỗi xe khách 40 chỗ sẽ lên tới 1,6 triệu đồng/1 lượt đi và về, và tổng chi phí của một doanh nghiệp vận tải cho các xe qua trạm, có thể ở mức 10 đến 15 triệu đồng mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thị Kim Thu, Giám đốc Công ty Vận tải Thu Đức, tỉnh Đắc Lắc, doanh nghiệp có 15 đầu xe chạy tuyến Buôn Ma Thuột-thành phố Hồ Chí Minh, lo ngại các doanh nghiệp không chịu nổi mức phí. “Chúng tôi cũng đã thực hiện đóng phí đường bộ, tăng thêm các chốt thu phí. Chúng tôi cũng kiến nghị giảm bớt giá thu phí để đỡ cho doanh nghiệp,” bà Thu nói.
Nỗi lo gánh nặng thu phí trên quốc lộ 14 không phải bây giờ mới có. Ngay từ năm đầu triển khai các dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (2011-2012), đã có nhiều ý kiến cho rằng, việc có nhiều dự án BOT lại làm phát sinh quá nhiều trạm thu phí, không phù hợp với điều kiện kinh tế còn khó khăn của khu vực Tây Nguyên.
Ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên nêu ý kiến tại một buổi làm việc với đại diện Bộ Giao thông Vận tải: “Nhà đầu tư kinh doanh thì phải có lãi. Lãi đấy thì cũng ở dân ra. Tuyến qua Tây Nguyên bố trí vốn BOT quá nhiều trong khi điều kiện kinh tế Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn. Như vậy là bất hợp lý.”
Mới đây, Ban chỉ đạo Tây Nguyên đã có văn bản đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn để mua lại một số dự án BOT trên đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Qua đó, làm giảm bớt các trạm thu phí, giảm bớt áp lực lên người dân Tây Nguyên./.