Ông Lại Xuân Thanh - Cục trưởng Cục hàng không Việt Nam cho biết, ngay sau khi sự cố xảy ra, Cục hàng không, các đơn vị hàng không, quân đội đã tổ chức hội nghị để đưa ra giải pháp nhằm tăng cường công tác phối hợp, điều hành.
Những sự cố hy hữu liên tiếp xảy ra của hàng không Việt Nam
Tân Sơn Nhất tê liệt vì đài không lưu mất điện
Mới đây, ngành hàng không Việt Nam lại một lần nữa khiến người dân thót tim khi xảy ra sự cố sập nguồn điện dẫn đến mất quyền điều hành bay tại tại Trung tâm Kiểm soát không lưu đường dài Hồ Chí Minh (ACC/HCM) vào ngày 20/11.
Tại thời điểm xảy ra sự cố mất quyền điều hành bay, có 54 tàu bay trong khu vực trách nhiệm của ACC/HCM trên tổng số trên 92 tàu bay bị ảnh hưởng trong thời gian sự cố. Nhiều tàu bay trong Vùng Thông báo bay Hồ Chí Minh và các Vùng thông báo bay Hà Nội, Sanya, Pnom Penh, Singapore, Kuala Lumpur đã phải đình hoãn cất cánh tại sân, quay trở lại hạ cánh sân bay khởi hành, hạ cánh tại sân bay dự bị.
Bước đầu, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam xác định nguyên nhân sự cố là do kíp trực thực hiện sai thao tác kỹ thuật.
Theo quy định, nguồn điện cung cấp cho hệ thống điều hành không lưu gồm điện lưới và điện máy nổ đều phải dẫn qua thiết bị lưu điện UPS nhằm đảm bảo không bị ngắt điện đột ngột. Hệ thống UPS lại có 3 bộ đấu song song để dự phòng cho nhau.
Quy trình kỹ thuật yêu cầu mỗi tuần phải chạy máy phát điện 2 ngày để kiểm tra. Theo quy trình này, ngày 20/11 vừa qua là thời điểm phải vận hành 2 chiếc máy phát điện thay cho điện lưới.
Khi chuyển sang điện máy phát, bộ phận kỹ thuật phát hiện 1 trong 3 UPS bị hỏng, phải cắt tải để khắc phục. Chiếc UPS này đã từng bị trục trặc tương tự vào các ngày 13 và 18/11. Sau đó, đã được xử lý thành công. Tuy nhiên, trong lần vận hành này, kíp trưởng Lê Trí Tình đã thao tác sai nên gây sập hệ thống.
Mặc dù trên cả 3 bộ UPS đã ghi rõ cảnh báo nguy hiểm: Nếu ấn nút cắt tải trong trường hợp đấu nối song song sẽ ngắt toàn bộ thiết bị ra khỏi hệ thống. Do không nắm kỹ cảnh báo này, Kíp trưởng chưa thực hiện cô lập UPS hỏng đã nhấn nút ngắt tải nên 2 UPS còn lại cũng lập tức bị ngắt điện.
Hai máy bay suýt đụng nhau trên vùng trời Tân Sơn Nhất
Chuyến bay HVN 1376 (máy bay Airbus A321) của Vietnam Airlines cất cánh lên thì máy bay quân sự Mi 172/423 rẽ phải và cắt qua hướng cất cánh của máy bay Vietnam Airlines. Sự cố uy hiếp an toàn bay này xảy ra hôm 29/10 trên vùng trời sân bay Tân Sơn Nhất.
"Sự cố tàu bay Airbus suýt đụng trực thăng quân sự là sự cố về vi phạm phân cách tối thiểu giữa hai đường bay. Tại buổi họp giữa các đơn vị có liên quan được tổ chức vào sáng nay với sự tham dự của Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu, về sơ bộ, nguyên nhân là do lỗi phối hợp, hiệp đồng bay hàng không dân dụng với quân sự của kíp trực điều hành đó. Cụ thể, kiểm soát viên hiệp đồng đã không canh nghe được huấn lệnh của các kiểm soát viên không lưu điều hành", ông Thanh nói.
Hạ cánh nhầm sân bay
Hy hữu nhất từ trước đến nay là sự cố Vietjet Air chở gần 200 hành khách đi Đà Lạt “nhầm” tới Cam Ranh hôm 19/6/2014.
Chuyến bay VJ 8575 chặng bay Hà Nội - Cam Ranh cất cánh đúng theo lịch bay được phê duyệt ban đầu. Dự báo bay đã được Trung tâm điều hành bay quốc gia chấp thuận và hiệp đồng bay hàng không - quân sự, theo đúng kế hoạch bay không lưu được Cơ sở thủ tục bay Nội Bài chấp thuận và triển khai theo quy định.
Nhưng điều đáng nói là trên chuyến bay này lại là toàn bộ hành khách, hành lý, hàng hoá của chuyến bay VJ8861 với hành trình Hà Nội - Đà Lạt.
Nguyên nhân do tổ bay, tổ tiếp viên, nhân viên điều hành của Vietjet Air và cơ sở thủ tục bay thuộc Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài không thực hiện đúng quy trình khai thác bay; Trung tâm điều hành khai thác bay của Vietjet Air không thực hiện đúng quy định về triển khai kế hoạch khai thác.
Máy bay của Vietnam Airlines rơi lốp
Ngày 21/10/2013, một chiếc máy bay ATR72 của Vietnam Airlines mang số hiệu VN-B219 khởi hành từ sân bay Cát Bi đi Đà Nẵng đã đáp xuống trong tình trạng rơi 1 trong 2 chiếc lốp ở càng mũi trước mà phi hành đoàn không hề hay biết.
Đến ngày 25/10, chiếc lốp bị rơi tìm thấy tại khu vực giáp ranh sân bay Cát Bi nhờ giải mã kết quả từ hộp đen.
Một trong 2 chiếc lốp càng trước (bên trái) của máy bay ATR 72 bị rơi (Ảnh: Tiền phong)
Sự cố mất bánh máy bay ATR72 của Vietnam Airlines khiến cả ngành hàng không rúng động. Chưa gây ra hậu quả nào về người và thiệt hại lớn về tài sản, nhưng sự cố này được nhà chức trách liệt vào loại nghiêm trọng, cần phải điều tra sâu.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết nguyên nhân dẫn đến sự cố máy bay ATR72 của Vietnam Airlines rơi lốp có thể do sử dụng vật tư, phụ tùng không đúng quy cách hoặc không đảm bảo chất lượng; lỗi chế tạo hoặc vật liệu của trục bánh xe hay vòng bi.
Đường băng có động vật
Rất nhiều chuyến bay ở Việt Nam đã phải khởi hành muộn, thậm chí là hủy cất cánh do trên đường băng có động vật.
Cụ thể, ngày 25/2/2013, khi thực hiện lăn ra đường cất cánh, tổ bay trên chuyến bay VN1267 của Vietnam Airlines chặng Vinh - TP.HCM đã phát hiện bò đi ngang qua đường băng. Chuyến bay khởi hành muộn so với kế hoạch để an ninh sân bay xử lý sự việc.
Ngày 29/2/2013, chuyến bay VN1187 chặng Hải Phòng - TP.HCM phải hủy cất cánh vì có chim trên đường băng.
Ngày 10/7/2013, cơ trưởng chuyến bay VN1670 chặng Đà Nẵng - Hải Phòng đã phải tiến hành bay vòng và thực hiện lại việc tiếp cận hạ cánh khi phát hiện trâu trên đường băng tại sân bay.
Ngày 24/7/2013, một con bò tót xâm nhập sân bay quốc tế Phú Bài (Huế) dẫn đến việc Vietnam Airlines bị chậm 12 chuyến bay, ảnh hưởng tới 1.800 hành khách./.
Theo VTCNews