Chính phủ New Zealand - nước chịu trách nhiệm tiếp nhận thông báo của từng thành viên tham gia CPTPP cho biết, đã nhận được thông báo của Australia về việc chính thức thông qua hiệp định, cùng với New Zealand, Canada, Nhật Bản, Mexico và Singapore. Như vậy, CPTPP đã được 6 nước tham gia phê chuẩn, đủ để hiệp định có hiệu lực sau 60 ngày theo quy định. Các nước thành viên sẽ chỉ nhận được lợi ích của Hiệp định sau khi phê chuẩn.
TPP ban đầu từng được kỳ vọng tạo ra khối tự do thương mại lớn nhất toàn cầu với sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi Hiệp định, buộc 11 nước còn lại phải tái đàm phán để cho ra đời phiên bản mới mang tên CPTPP.
CPTPP được kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm, giảm đói nghèo và nâng cao chất lượng sống của người dân các quốc gia thành viên. Hiệp định này sẽ tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 499 triệu dân và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) khoảng 10.100 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP thế giới.
Nhiều nước ngay lập tức hoan nghênh Hiệp định này sớm có hiệu lực. Thủ tướng Australia Scott Morrison nhấn mạnh, CPTPP "là một trong những thỏa thuận toàn diện và tham vọng nhất" trong lịch sử gần đây của nước này. Thỏa thuận này sẽ giúp các doanh nghiệp Australia tăng trưởng và mỗi năm đóng góp tới 15,6 tỷ USD Australia (tương đương 11,1 tỷ USD) cho nền kinh tế quốc gia vào năm 2030.
Nhiều nước hoan nghênh Hiệp định CPTPP sớm có hiệu lực. (Ảnh: KT) |
Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương có hiệu lực diễn ra trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng, với việc dỡ bỏ các rào cản có thể giúp các nước thành viên tăng thu nhập ngân sách và đưa hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo.
Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp của Singapo Chan Chun Sing cho rằng, sự phát triển sẽ giúp tăng cường dòng chảy thương mại giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tạo điều kiện cho dòng chảy dịch vụ, đầu tư cũng như thương mại điện tử.
Còn theo Tổng giám đốc Quĩ tiền tệ quốc tế IMF Christine Lagarde, các thỏa thuận thương mại mới, trong đó có CPTPP sẽ gửi đi tín hiệu mạnh mẽ về cam kết chung của các nước thúc đẩy tự do hóa thương mại và hệ thống giao dịch dựa trên quy tắc: “Chúng ta phải hợp tác cùng nhau để giảm căng thẳng và giải quyết các bất đồng thương mại. Tuy nhiên, bên cạnh việc thúc đẩy giải quyết các căng thẳng này, tôi vẫn hi vọng vào những tín hiệu tích cực về việc cải thiện và mở rộng thương mại, trong đó có các đề xuất tăng cường Tổ chức thương mại thế giới, các thỏa thuận thương mại mới như CPTPP hay đàm phán Hiệp định tự do bắc Mỹ ( NAFTA) mới đây".
Các nước thành viên cũng hy vọng, Hiệp định này sẽ giúp giảm tác động của một cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung nếu xảy ra . Ông Peter Mumford-công ty phân tích rủi ro Eurasia Group nhận định, bằng cách loại bỏ rào cản thương mại giữa các nước thành viên, CPTPP sẽ giúp giảm thiểu một số tác động tiêu cực đến các nước trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ- Trung gia tăng.
Hiện, có nhiều quốc gia quan tâm đến việc tham gia Hiệp định này. Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Anh Liam Fox hoan nghênh việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương sớm có hiệu lực. Ông cho rằng, đây là cột mốc trong quá trình phát triển thương mại quốc tế dựa trên các quy tắc. Mặc dù chưa phải là một thành viên CPTPP, nhưng Anh vẫn bày tỏ ý muốn tham gia thỏa thuận này sau khi rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit). Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi cũng khẳng định, vẫn để mở cánh cửa cho việc Mỹ tái tham gia Hiệp định cũng như các thành viên mới:
“CPTPP sẽ có hiệu lực vào 30/12 tới. Mặc dù nếu nhìn vào thực tế sẽ rất khó khăn cho việc Mỹ tái tham gia Hiệp định ngay lập tức. Tuy nhiên, các cuộc đối thoại thương mại Mỹ- Nhật Bản không nhằm chống lại việc Mỹ quay trở lại Hiệp định mà đây còn là các bước đi tích cực”
Colombia đã đệ đơn xin gia nhập trong khi các nước khác như Hàn Quốc, Thái Lan cũng đang phát tín hiệu muốn tham gia CPTPP)./.
Australia chính thức thông qua Hiệp định CPTPP