Mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng ở thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mỗi năm, bà thu gần 800 triệu đồng từ trồng hoa lan.

5 năm trước, bà Hồng đầu tư 500 triệu đồng để trồng 4.000 cây hoa Mokara cắt cành trong khuôn viên 400m2 tại vườn nhà. Cây hoa phát triển tốt, bà Hồng xây dựng thêm 1 nhà sản xuất hoa lan Mokara cắt cành trên diện tích hơn 1.000m2 với hơn 6.000 gốc hoa lan. Bà Nguyễn Thị Hồng cho biết, trồng lan Mokara cắt cành, công đoạn đầu tư nhà lưới và chăm sóc khá công phu; hoa phải có giàn lưới che, thoáng mát và có hệ thống phun sương; chăm sóc lan phải đúng kỹ thuật.

“Trồng hoa lan công nghệ cao kinh tế rất ổn định. Tôi có ý định mở thêm diện tích trồng hoa, tăng thêm thu nhập cho gia đình” – bà Hồng nói.

vov_nong_nghiep_cong_nghe_cao_dwnk.jpg
Mô hình trồng hoa lan Mokara cắt cành của gia đình bà Nguyễn Thị Hồng.

Ông Phạm Văn Hùng, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cũng làm giàu từ việc trồng hoa chậu. Năm 2014, ông Hùng từ quê nhà Quảng Ngãi ra xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng thuê đất trồng hoa và ươm cây. Được UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ 170 triệu đồng cộng với nguồn vốn tích góp được, gia đình ông Hùng thuê 1.000 m2 đất tại địa phương này để trồng các loại hoa dạ yến thảo, dừa cạn, kim muông đông, triệu chuông và nhiều loại hoa chậu.

Mỗi tháng, ông Hùng cung cấp cho thị trường từ 5.000 đến 6.000 chậu hoa treo các loại, sau khi trừ chi phí, ông lãi từ 70 - 80 triệu đồng. Ngoài ra, ông Hùng còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương với mức thu nhập hằng tháng từ 4 triệu đến 5 triệu đồng mỗi người.

“Vườn hoa hoạt động ổn định, mang lại thu nhập, ngoài ra còn tạo công ăn việc làm cho lao động ở đây. Hướng sắp tới là tăng số lượng trồng và đa dạng chủng loại hoa” – ông Hùng cho biết.

Trồng hoa chậu các loại của ông Phạm Văn Hùng mang lại thu nhập cao.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hòa Vang hình thành 21 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Những mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả kinh tế. Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết, huyện luôn khuyến khích, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

“Trong năm vừa qua, địa phương đã mạnh dạn kêu gọi các doanh nghiệp các nhà đầu tư về phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Lâm Đồng về đầu tư trên địa bàn của huyện, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Đặc biệt các sản phẩm của nền nông nghiệp huyện Hòa Vang năm nay tiêu thụ ổn định và có chỗ đứng trên thị trường” – ông Đặng Phú Hàng nói.

Những năm gần đây, Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân về phát triển sản xuất. Hội đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng hoa, giúp hội viên vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân để mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Đà Nẵng cho biết, Hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho bà con, hình thành các chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ.

Việc tổ chức sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua bước đầu có hiệu quả. Có một số doanh nghiệp đã hợp tác đầu tư để tạo ra những sản phẩm công nghệ cao làm bằng nhà kính, nhà lưới./.