Huyện Krông Búk có diện tích cà phê  lớn của tỉnh Đắk Lắk với trên 20.000 ha, chiếm 10% toàn tỉnh. Một nửa số này được trồng cách đây hơn 25 năm hiện đã già cỗi, kém năng suất. Trong vòng 2 -3 năm trở lại đây, người trồng tiến hành tái canh nhưng do không tuân thủ các quy trình khiến cây phát triển chậm, thậm chí bị chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Ngành nông nghiệp địa phương đang tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nông dân trong việc tái canh loại cây trồng chủ lực này. 

Vườn cà phê tái canh năm thứ 3 trên diện tích 1,1 ha của gia đình ông Lê Thanh Long, ở buôn E Kmu, xã Cư Né, huyện Krông Búk cây thì còi cọc, cây thì vàng lá, nhiều cây đã chết khô.

Ông Long cho biết, vườn cây này được tái canh năm 2019, thay thế cho vườn cà phê già cỗi trồng từ năm 1995. Để tái canh, ông thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay 200 triệu đồng từ ngân hàng về thực hiện. Năm đầu cây phát triển bình thường, đến năm thứ 2 trở đi, nhiều cây có biểu hiện vàng lá, cây không ra tán, kém phát triển, thậm chí chết dần chết mòn. Nhổ thử thì ông phát hiện nhiều cây bộ rễ bị sưng, nấm mốc, thối đen nên đành nhổ bỏ. Đây là nguyên nhân mà ông Long rút ra được sau thất bại.

“Vườn cà phê của tôi cỡ trên 20 năm rồi nên mình tiến hành tái canh. Lúc tái canh thì không mang đất đi kiểm tra mật độ tuyến trùng hay sâu bệnh gì cả, chỉ phơi đất tầm 4 tháng rồi trồng mới. Giống cà phê là loại TR4, nhưng mua tại vườn ở huyện Krông Búk chứ không phải trên Viện Ea Kmát. Rồi khoảng một năm đầu thì thấy được, nhưng bước qua năm thứ 2 nhiều cây bắt đầu chết. Nói chung giờ cây chết thì chỉ biết nhổ bỏ, thiệt hại của gia đình gần 200 triệu đồng” - ông Long buồn bã cho biết.

Cà phê là cây trồng chủ lực của người dân tại huyện Krông Búk. Toàn huyện hiện có trên 20.000 ha, trong đó một nửa diện tích được trồng từ giữa những năm 1990 cần tái canh. Đến thời điểm này, toàn huyện đã tái canh được 15% diện tích, tương đương với khoảng 2.500 ha. Trong đó có trên 320 ha kém hiệu quả, thậm chí nhiều vườn cây bị chết, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Ông Nguyễn Đình Kính – Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho rằng, nguyên nhân khiến nhiều vườn cà phê tái canh ở huyện kém hiệu quả bắt nguồn từ việc người trồng thực hiện chưa đúng quy trình như: Lựa chọn giống không đảm bảo, đốt cháy thời gian phơi cải tạo đất, bỏ qua khâu kiểm tra thổ nhưỡng đất, hay quá lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Và để thực hiện hiệu quả việc tái canh vườn cà phê hỗ trợ người dân, cùng với tuyên truyền khuyến cáo bà con cần tuân thủ nghiêm quy trình tái canh của ngành nông nghiệp, thì phòng đang tích cực triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho bà con.

“Phòng Nông nghiệp đang khuyến cáo cho người dân khi tái canh cây cà phê thì cần phơi đất đủ thời gian hoặc trồng cây ngắn ngày trên đất đủ 3 năm để phân hóa đất, mang mẫu đất đi kiểm tra tuyến trùng; thực hiện luân chuyển diện tích tái canh.

Ví dụ bà con có 1 ha, thì cần tái canh 1/3 diện tích, sau đó luân chuyển tái canh tiếp các diện tích còn lại. Đối với chính sách hỗ trợ cho bà con, phòng cũng đang phối hợp với UBND các xã tiến hành lập danh sách để người dân đăng ký mua các loại giống tốt cho năng suất cao, chịu hạn tốt để gửi đến các công ty giống liên kết mua ưu đãi giảm khoảng 30% cho người trồng” - ông Kính cho biết thêm./.