Như vậy, sau hơn 1 năm Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), những nỗ lực của 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, Newzealand, Peru, Singapore và Việt Nam đã mang lại thành quả, chính thức khai sinh một hiệp định mới.
Nhật Bản thay thế vai trò của Mỹ
Dù vắng Mỹ, GDP của 11 quốc gia trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương chỉ bằng 13,4% tổng sản lượng toàn cầu thay vì 40% như trước đây, song CPTPP vẫn tạo nên một khu vực mậu dịch tự do rộng lớn nhất thế giới với những tiêu chuẩn cao và dự kiến sẽ mang lại những tác động tích cực cho 11 quốc gia thành viên.
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP, có không ít kiến nghi ngờ về khả năng tiếp tục tồn tại của Hiệp định này. Thế nhưng, như những gì chúng ta sẽ được chứng kiến ngày hôm nay, TPP sẽ được hồi sinh dưới một diện mạo mới là CPTPP và nhiều người cho rằng Nhật Bản có vai trò đặc biệt quan trọng để đưa TPP trở thành CPTPP.
Mặc dù thiếu vắng Mỹ, nhưng vào thời điểm này chỉ còn ít thời gian nữa sẽ được 11 nước ký kết, mở ra một khu vực mậu dịch tự do xuyên khu vực. Trong thời gian qua, các nước thành viên không thể phủ nhận sự tích cực của Nhật Bản trong vấn đề duy trì TPP và thực hiện ký kết CPTPP.
Hiệp định CPTPP sẽ được ký kết vào ngày mai (8/3) tại Santiago, Chile. |
Có thể nói Nhật Bản trở thành nước “có vai trò chỉ đạo” trong việc duy trì và phát triển một thể chế thương mại tự do đa quốc gia mà vốn nó đã được cấu trúc từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 mà thời gian dài Mỹ có vai trò chủ đạo. Có lẽ sau đây, Nhật Bản sẽ từng bước thay thế Mỹ ở một số vai trò mà trước đó chỉ có Mỹ.
Thứ hai, một vai trò quan trọng mà Nhật Bản đang làm rất tốt đó là trong bối cảnh Trung Quốc đang tạo ra một thị trường thương mại mang tính chủ nghĩa “trọng thương” dựa trên việc hoạt dụng kỹ thuật, tài sản mang tính tri thức và một thị trường rộng mở tràn ngập màu sắc Trung Quốc thì việc Nhật Bản thúc đẩy ký kết CPTPP được coi là một vũ khí chiến lược đối kháng với chính sách thương mại của Trung Quốc giúp thị trường thế giới không rơi vào tình trạng độc quyền.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng Hiệp định CPTPP sau khi được ký kết không biết thị trường khu vực sẽ hướng theo chiều hướng nào. Một lo ngại dấy lên về một cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ và Nhật có khả năng sẽ xảy ra, hay là Mỹ lại thay đổi lập trường và gia nhập lại vào CPTPP.
Riêng với Nhật Bản, Nhật Bản thực sự đã “cứu” TPP và thúc đẩy một hiệp định gộp với Hiệp định thương mại tự do với EU. Nhật Bản đã đạt được một Hiệp định thương mại lớn nhất từ trước tới nay.
Lợi nhiều hơn hại
Thực ra ngay lúc này đây khi mà Hiệp định chưa chính thức được ký kết thì trong Nhật Bản cũng còn có nhiều ý kiến phản đối việc chính quyền Thủ tướng Abe thúc đẩy và ký kết Hiệp định này.
Bởi lẽ, theo chu kỳ, kim ngạch sản xuất của ngành Nông nghiệp Nhật Bản sẽ giảm từ 90.000 tỷ yên đến 150.000 tỷ yên sau khi CPTPP có hiệu lực. Đặc biệt những mặt hàng như thịt bò, thịt lợn, sữa và gia súc sẽ ảnh hưởng lớn nhất. Và về những thiệt hại này ông Abe vẫn phải có chính sách cho những sản phẩm nông nghiệp chịu sự tác động của CPTPP. Bù lại Nhật Bản có thể “chịu thiệt” một chút về mặt kinh tế, song về chính trị, ngoại giao sẽ được nhiều hơn.
Riêng đối với Việt Nam, dù không còn Mỹ, thị trường nhập khẩu lớn nhất thế giới, đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, việc tham gia CPTPP giúp hàng hoá Việt Nam có cơ hội vào những thị trường lớn khác như Nhật Bản, Canada, Australia... một cách dễ dàng hơn. Và khi đã có mặt tại thị trường khó tính như vậy, thì không có lẽ nào hàng hóa Việt Nam lại không có mặt tại các thị trường khác. Và Nhật Bản và các nước khác cũng sẽ có lợi khi nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy hải sản của Việt Nam.
Về lâu dài, Hiệp định này giúp Việt Nam thay đổi thể chế trong nước, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch. Hơn nữa, Hiệp định có tính mở, lại là nước tham gia từ đầu nên Việt Nam sẽ có lợi nhiều hơn là bất lợi.
Và nếu như sau này, giả sử Mỹ lại gia nhập vào CPTPP, thì lại càng có nhiều cơ hội mở rộng thị trường.
Sau khi được ký kết tại Chile, Quốc hội các nước sẽ tiếp tục phê chuẩn hiệp định CPTPP, dự kiến chậm nhất giữa năm 2019, hiệp định này sẽ có hiệu lực. Trong bối cảnh thế giới xuất hiện những lo ngại về sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, sự ra đời của CPTPP đã chuyển đi thông điệp mạnh mẽ về cam kết mở cửa của khu vực, tạo thêm xung lực thúc đẩy tự do hóa thương mại ở châu Á – Thái Bình Dương nói riêng và châu Á nói chung. /.
Hiệp định CPTPP: Việt Nam phải cải cách mạnh mẽ hơn để hưởng lợi