Dự kiến, ngày 8/3 tới đây, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ được ký kết chính thức tại Chile với sự tham gia của 11 nước thành viên, sau khi kết thúc toàn diện nội dung đàm phán Hiệp định CPTPP. Trước đó, các Trưởng đoàn đàm phán của 11 nước tham gia CPTPP gồm Australia, Bruney, Darusalem, Canada, Chile, Malaysia, Mexico, Newzeland, Nhật Bản, Peru, Singapore và Việt Nam đã họp tại Tokyo (Nhật Bản) từ ngày 22 - 23/1 vừa qua để giải quyết các vấn đề còn tồn tại.
Cụ thể, cuộc họp này đã xử lý là những vấn đề còn tồn tại sau các cuộc họp tại Đà Nẵng, bao gồm các nội dung liên quan đến lao động của Việt Nam, bảo lưu về văn hóa của Canada, bảo lưu về cơ chế dành cho Tập đoàn Petronas của Malaysia… Trên cơ sở kết quả đạt được, các nước thống nhất sẽ tiến hành quá trình rà soát pháp lý cũng như hoàn tất các thủ tục nội bộ để chuẩn bị cho việc ký kết.
Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với 11 nước tham gia. (Ảnh: Internet) |
Đồng thời, kết quả này có ý nghĩa quan trọng, gửi đi thông điệp mạnh mẽ về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân, tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và tăng cường hợp tác kinh tế giữa các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh tiến trình toàn cầu hóa còn gặp nhiều khó khăn và sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ trên thế giới.
Đặc biệt, trong quá trình đàm phán, đoàn Việt Nam đã tích cực và chủ động phối hợp với Nhật Bản và các nước CPTPP trong việc xử lý các nội dung tồn tại, giúp tạo động lực cho tiến trình đàm phán và góp phần tích cực vào kết quả chung của cuộc họp.
CPTPP mở ra cơ hội mới
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Việt Nam về Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương - là người gắn bó với Hiệp định TPP trước đây và hiện nay là CPTPP đánh giá, 11 nước trong CPTPP đều cam kết sẽ có những nỗ lực hết sức mình để đưa Hiệp định CPTPP vào hiện thực, sau khi ký kết, nhiều khả năng cuối năm 2018 hoặc chậm nhất là đầu năm 2019, Hiệp định CPTPP sẽ có hiệu lực.
“Đây có thể nói là kết quả đáng mừng, đáng kỳ vọng vì trong bối cảnh hiện nay, chủ nghĩa bảo hộ, dân túy, dân tộc cực đoan đang trỗi dậy đang làm chậm lại tiến trình có tác động rất tích cực đến quá trình liên kết, hội nhập và tự do hóa thương mại, đầu tư…”, TS. Võ Trí Thành nhận xét.
Phân tích về điều này, TS. Võ Trí Thành cho rằng, Hiệp định CPTPP sẽ như một sự kế tục của TPP trước đây với 12 nước, trong đó có Mỹ tham gia đã khẳng định, có rất nhiều nước vẫn nhận định quá trình toàn cầu hóa, hội nhập là không thể đảo ngược. Điều này đem lại lợi ích to lớn cho các nước tham gia cũng như cho toàn thế giới. Hiệp định CPTPP trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục khẳng định khu vực này phải là ngọn cờ đầu, là người đi tiên phong trong quá trình liên kết, hội nhập và tự do hóa thương mại, đầu tư.
Hiệp định CPTPP bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. (Ảnh minh họa: KT) |
Ngoài ra, Hiệp định này đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên, trong đó có Việt Nam.
Trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Bộ Công Thương – ông Trần Tuấn Anh khẳng định, Hiệp định CPTPP mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Việt Nam. Đặc biệt là các lợi ích chưa thể tính toán được đến từ quá trình thúc đẩy cải cách thể chế. Hiệp định CPTPP tạo ra sự thúc ép rất lớn về cạnh tranh cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế, là điều kiện để Việt Nam có tăng trưởng bền vững hơn.
Cũng theo người đứng đầu ngành Công Thương, đúng như cái tên của nó, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương là một hiệp định tương đối toàn diện. CPTPP bao trùm các nguyên tắc trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Chính vì vậy, Hiệp định mới vừa tạo cơ hội vừa buộc Việt Nam cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh nói riêng và cải cách thể chế nói chung./.
Công bố văn bản Hiệp định CPTPP, dự kiến ký kết chính thức vào 8/3