Từ tháng 4 này, lực lượng cảnh sát giao thông TP HCM sẽ  xử phạt các trường hợp trẻ trên 6 tuổi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm. Đồng thời, lực lượng quản lý thị trường thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh nón bảo hiểm kém chất lượng và hàng giả. Vì vậy, nhu cầu mua mũ bảo hiểm đạt chất lượng và có tem kiểm định của người dân tăng cao. Lợi dụng tình hình này, một số điểm kinh doanh đã tăng giá bán mũ bảo hiểm, gây thiệt hại cho người tiêu dùng và làm xáo trộn thị trường.

Tại một số điểm kinh doanh nón bảo hiểm trên đường Hai Bà Trưng, quận 1, đường Nguyễn Đình Chiểu và Cao Thắng, quận 3 những ngày này, các nhân viên bán hàng ở đây cho biết: lượng nón bán ra hàng ngày tăng từ 150 -200% so với trước  đây. Nón bảo hiểm được người mua lựa chọn nhiều nhất là các loại nón có giá từ 180.000-300.000/chiếc.

Trước nhu cầu người mua tăng cao như hiện nay, chỉ có một số ít cửa hàng  của các công ty sản xuất mũ mang nhãn hiệu như:  Evo, Andes helmet, nón Sơn … trên các tuyến đường này vẫn giữ giá ổn định. Còn phần nhiều điểm bán mũ bảo hiểm nhỏ, lẻ khác tại một số chợ như chợ Tân Định ở quận 1, chợ Thị Nghè ở quận Bình Thạnh và đường Cao Thắng, quận 3 giá đều tăng từ 20.000-40.000đồng/chiếc.

Chị Phạm Thị Cẩm Hồng chủ cửa hàng bán mũ bảo hiểm hiệu  Andes ở  đường Cao Thắng,  quận 3  giải thích: “Trước Tết tôi bán 220.000 đồng/chiếc mũ, nhưng bây giờ bán giá là 240.000 đồng/ chiếc mũ. Giá tăng vì hiện nay người mua tăng nhiều, và đơn vị phân phối cũng tăng giá”.

Về phía các đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm như: công ty nhựa Chí Thành, công ty TNHH sản xuất –thương mại – kỹ thuật Á Châu đều đã tăng công suất nhưng vẫn không đáp ứng kịp đơn đặt hàng. Doanh số bán mũ bảo hiểm của các doanh nghiệp này cũng đã tăng từ 200-300% so với trước nhưng vẫn cam kết không tăng giá. Do đó, việc tăng giá mũ bảo hiểm hiện nay chủ yếu do các cửa hàng kinh doanh nhỏ, lẻ và tiểu thương ở các chợ tự điều chỉnh.

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Ánh Tốc, đơn vị phân phối mũ bảo hiểm Andes ở phía Nam cho biết: “Giá cả của công ty chúng tôi không có gì thay đổi. Hiện nay, công ty đang tăng công suất sản xuất nhưng không đáp ứng đủ. Còn giá cả bán mũ trên thị trường thì công ty không kiểm soát được. Giải pháp của chúng tôi là mở thêm các chuỗi cửa hàng của công ty để đưa sản phẩm đến trực tiếp người tiêu dùng”.

Gần đây, các ngành chức năng ở TP.HCM  đã tập trung kiểm tra,  xử lý mũ bảo hiểm rởm. Chỉ riêng trong tuần này, các đội quản lý thị trường của TP.HCM đã thu giữ hơn 3.000 mũ bảo hiểm không có hóa đơn chứng từ, không giấy phép sản xuất, kinh doanh và không có tem chứng nhận hợp quy. Bên cạnh đó,  các phương tiện thông tin đại chúng cũng tăng cường tuyên truyền về tác hại của mũ bảo hiểm rởm nên hiện nay, nhiều người tiêu dùng ở TP.HCM đã có sự lựa chọn cẩn thận hơn khi mua mũ bảo hiểm. Ông Nguyễn Văn Phúc, người chạy xe ôm ở chợ Bàn Cờ, quận 3 cho biết: Chúng tôi chạy xe ôm nên không mua mũ bảo hiểm rởm nữa. Vì mũ bảo hiểm nếu rơi là vỡ luôn, nguy hiểm. Trước người ta, mua mũ bảo hiểm rởm nhiều, bây giờ sắp đến đợt kiểm tra nên người dân cũng biết và không mua mũ rởm nữa. Các điểm bán mũ rởm bây giờ cũng giảm nhiều".

Ý thức của người tiêu dùng trong việc chọn mũ bảo hiểm đã được nâng lên, đó là điều đáng mừng. Và các ngành chức năng ngoài việc kiểm soát chất lượng mũ nên kiểm soát cả giá cả, tránh tình trạng một số người kinh doanh lợi dụng tình hình này để đẩy giá tăng cao, gây  thiệt hại cho người tiêu dùng. Ngày 11/5 tới, chương trình đổi mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn lấy mũ đạt chuẩn của Ban an toàn giao thông TP.HCM sẽ là cơ hội tốt cho nhiều người có một chiếc mũ an toàn khi tham gia giao thông./.