Ông Nguyễn Thành Trung ở xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi chủ của 2 tàu cá cho rằng, chưa khi nào nghề đánh bắt thủy sản gặp nhiều khó khăn như những năm gần đây. Liên tiếp 2 năm qua do dịch bệnh, cộng với giá cả nhiên liệu tăng cao nhưng giá hải sản không tăng càng khiến ngư dân mệt mỏi. Ông Trung than thở, nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt nên những chuyến ra khơi phần lớn bị thua lỗ.

“Môi trường cạn kiệt cá mực rồi, không như hồi xưa nữa, nên dân đi biển rất khó khăn. Bây giờ đi có ăn thì người ta đi, còn không thì người ta không đi. Nói chung bây giờ làm ăn khó khăn”, ông Trung chia sẻ.

Một trong những nguyên nhân làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt là ngư dân còn hành nghề giã cào, sử dụng phương thức đánh bắt theo kiểu “tận diệt”. Tại phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi có hơn 1.200 tàu cá của ngư dân hành nghề giã cào. Kiểu đánh bắt này làm cho sinh vật tầng đáy bị hủy diệt, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt. Do đó, việc chuyển đổi nghề sang nghề khai thác thân thiện với môi trường là cấp thiết. Nhiều ngư dân muốn chuyển đổi nghề cần có vốn lớn nhưng còn nợ ngân hàng nên gặp nhiều trở ngại.

Ông Giã Tấn Tàu, Phó Chủ tịch UBND phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ cho biết: “Nghề giã cào gặp rất nhiều khó khăn. Một chiếc tàu đi biển phải kiếm bạn, mà kiếm bạn cũng rất khó, chi phí bỏ ra rất lớn. Tiền bà con vay của ngân hàng cũng rất nhiều. Địa phương rất lo lắng về tương lai của nghề biển Phổ Thạnh này”.

Những năm gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã cảnh báo về tác hại của nghề giã cào và chỉ đạo cho địa phương không cấp phép, cải hoán, đóng mới tàu làm nghề lưới kéo, giã cào. UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng chỉ đạo các địa phương tạm dừng đóng mới tàu cá hành nghề giã cào và khuyến khích ngư dân cải hoán phương tiện chuyển sang ngành nghề khai thác bền vững. Ông Hồ Trọng Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi cho biết, toàn tỉnh hiện có 1.600 tàu giã cào cần chuyển đổi nghề khai thác.

“Toàn bộ tàu giã cào bây giờ nên có chính sách chuyển nghề. Nếu muốn bền vững được thì phải chuyển toàn bộ giã cào đến mức thấp nhất. Trong Nghị quyết của thủy sản giảm từ 20-25% giã cào, giảm số lượng tàu xuống”, ông Phương nói./.