Sau khi hàng loạt ngư dân một số tỉnh miền Trung gặp sự cố khi đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ không đảm bảo chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình khai thác hải sản, thay vì đến các địa phương khác đóng tàu, ngư dân Ninh Thuận đã tìm đến các cơ sở đóng tại địa phương ngày càng nhiều. Bởi theo đánh giá của ngư dân, không cần đâu xa, các cơ sở đóng tàu của tỉnh Ninh Thuận đều đảm bảo chất lượng vươn khơi.
Ông Nguyễn Văn Thắng ở xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận vừa hạ thuỷ chiếc tàu đóng theo Nghị định 67 do chính cơ sở đóng tàu tại Ninh Thuận thực hiện. Ông Thắng cho biết, so với các cơ sở đóng tàu ngoài tỉnh, các cơ sở đóng tàu trong tỉnh Ninh Thuận không thua kém, hơn nữa lại gần nhà nên việc giám sát trong quá trình đóng tàu được thường xuyên và ít chi phí đi lại.
“Cơ sở đóng tàu gần nhà là ưu tiên trong lựa chọn của ngư dân. Thực tế cho thấy, cơ sở đóng tàu có nguồn gỗ chất lượng, thợ đóng tàu có tay nghề nên đóng được chiếc tàu như thế này gia đình rất hài lòng”, ông Thắng cho biết.
Nhiều ngư dân Ninh Thuận đóng mới tàu cá ngay tại các cơ sở đóng tàu của địa phương. (Ảnh minh họa: KT) |
Tại một xưởng đóng tàu thuyền ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam, chưa khi nào lại có nhiều tàu cá đang sửa chữa, cải hoán, nâng cấp hoặc đóng mới nhiều như hiện nay.
Ông Trần Quốc Hoàn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thuận Nam cho biết, từ đầu năm 2017 đến nay, tại cơ sở đóng tàu Đại Thịnh đã có trên 300 lượt ngư dân trong và ngoài tỉnh đến để đóng mới và cải hoán tàu cá, chủ yếu là những tàu có công suất trên 500 CV. Ngoài ra, có 8 chiếc được đóng theo Nghị định 67 có công suất từ 800 CV đến 1.100 CV, trong đó có 4 tàu đã hạ thủy và hoạt động hiệu quả.
“Trong thời gian vừa qua, địa phương đã hỗ trợ cho bà con ngư dân có thêm điều kiện để tham gia đóng mới tàu thuyền, bên cạnh đó cũng tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu nâng cao năng lực đóng mới tàu thuyền của mình. Đặc biệt các tàu thuyền trên 800CV trong thời gian gần đây”, ông Hoàn cho biết.
Những năm trở lại đây, nhất là từ khi Nghị định 67 của Chính phủ được triển khai thực hiện, ngành đóng tàu trong tỉnh Ninh Thuận đã phát triển mạnh. Nhiều cơ sở đóng tàu đã đầu tư vốn, mở rộng mặt bằng đủ khả năng đóng những tàu cá có công suất từ 700 CV đến trên 1.000 CV.
Những cơ sở đóng tàu trong tỉnh luôn được ngư dân chọn lựa, bởi tiết kiệm chi phí, thuận lợi trong kiểm tra, giám sát quá trình đóng tàu. Một số địa phương sau khi khảo sát về chất lượng của các cơ sở đóng tàu trong và ngoài tỉnh cũng đã tư vấn cho ngư dân chọn lựa nơi đóng tàu để vừa đảm bảo chất lượng vừa đảm bảo chi phí.
Ông Bạch Thuận Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận cho biết, qua quá trình thăm quan, khảo sát các cơ sở đóng tàu ngoài tỉnh so với các cơ sở đóng tàu trong tỉnh không có gì khác biệt, nếu không muốn nói là còn đảm bảo hơn.
Các cơ sở đóng tàu trong tỉnh Ninh Thuận cam kết đủ năng lực đóng tàu công suất lớn, giúp ngư dân mạnh dạn và tự tin hơn trong việc tham gia thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ, mở ra hướng phát triển mới cho ngành đóng tàu tại địa phương./.
Chính phủ chỉ đạo đơn giản hóa thủ tục cấp GCN đăng ký tàu cá