Thảo luật về dự án Luật Quản lý Ngoại thương tại hội trường ngày 7/11, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, dự án luật còn nhiều bất cập. Trong bối cảnh mở cửa thương mại như hiện nay, cần có quy định để tránh hàng không rõ nguồn gốc tràn vào thị trường Việt Nam.

Phòng vệ thương mại không phải là biện pháp “trả đũa”

Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hoà) đề nghị xem xét lại quy định về nguyên tắc áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu. Ông Thịnh cho rằng, việc thực hiện các biện pháp này, đặc biệt cấm nhập khẩu, là biện pháp đi ngược lại với xu thế tự do hóa thương mại và được nhìn nhận trong pháp luật thương mại quốc tế hiện nay như lựa chọn cuối cùng và cần thiết khi không thể áp dụng biện pháp nào khác.

ngoc_thinh_dtcr.jpg
Đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh

Theo đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh, phòng vệ thương mại là biện pháp hạn chế hoặc khắc phục việc cạnh tranh không lành mạnh của hàng hóa nhập khẩu hoặc tình trạng khẩn cấp của ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại do sự gia tăng đột biến của hàng hóa nhập khẩu. Bản chất đó không liên quan gì tới nguyên tắc có đi, có lại, phòng vệ thương mại không phải là biện pháp trả đũa khi hàng hóa Việt Nam bị áp dụng phòng vệ thương mại tại nước khác.

Ngoài ra, ông Thịnh lưu ý, cần bổ sung thêm nguyên tắc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, không gây tổn hại tới lợi ích kinh tế - xã hội Việt Nam. Xét cho cùng biện pháp phòng vệ thương mại cần phải hài hòa giữa việc bảo vệ một ngành sản xuất trong nước với việc không gây thiệt hại cho các bên liên quan khác của Việt Nam bao gồm nhà nhập khẩu và người tiêu dùng.

Đại biểu Lê Anh Tuấn (đoàn Hà Tĩnh) cho biết, về nguyên tắc, các biện pháp hạn chế số lượng xuất nhập khẩu bị cấm hoàn toàn trong WTO, trừ một số trường hợp vì các mục đích công cộng quan trọng như bảo vệ an ninh quốc gia, đạo đức xã hội, bảo vệ sức khỏe con người, động vật, thực vật, bảo vệ những tác phẩm nghệ thuật lịch sử, khảo cổ quốc gia, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý hiếm và bảo vệ môi trường. Các trường hợp ngoại lệ nêu trên là những nội dung cam kết cần được nội luật hóa trong các điều khoản cụ thể quy định về nguyên tắc áp dụng hạn ngạch.

Theo ông Tuấn, cần chế định rõ ràng hơn chính sách của Nhà nước về tăng cường hỗ trợ và phát huy quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp tỉnh có biên giới trong việc tổ chức, quản lý, hoạt động thương mại biên giới. Cụ thể, cần làm rõ việc chính quyền địa phương có hay không có thẩm quyền áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương trong những trường hợp cụ thể và chính sách ngoại thương đặc thù tại các khu vực biên giới phù hợp với chính sách phát triển biên mậu giữa Việt Nam với các quốc gia có chung đường biên giới.

Đại biểu Lê Anh Tuấn

Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Ngô Đức Mạnh (đoàn Bình Thuận) nhấn mạnh: Cần phải hạn chế đến mức tối đa những biện pháp hành chính, song phải dùng những biện pháp về kỹ thuật, tiêu chuẩn và quy trình kỹ thuật thì chúng ta mới có thể hạn chế được việc hàng hóa nước ngoài bán phá giá.

Ông Mạnh cũng nêu vấn đề áp thuế chống bán phá giá: Thế nào là biện pháp chống trợ cấp, thế nào là đe dọa gây thiệt hại đáng kể, gây thiệt hại nghiêm trọng? Đại biểu dẫn kết quả khảo sát cho thấy 500 doanh nhân thì có khoảng 85% doanh nhân không biết những quy định cụ thể về Cộng đồng kinh tế ASEAN. Sau 8 năm gia nhập WTO thì khoảng 65% doanh nhân không biết gì về WTO.

Đại biểu Ngô Đức Mạnh

Đại biểu Phạm Đình Toản (đoàn Hưng Yên) nêu thực tế: Với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu bằng 170% GDP, trong thương mại quốc tế, các biện pháp phòng, chống bán phá giá và chống trợ cấp và tự vệ được coi là ba trụ cột của hệ thống các biện pháp phòng vệ thương mại và được áp dụng để bảo vệ thị trường nội địa.

Các doanh nghiệp sử dụng công cụ phòng vệ thương mại ở Việt Nam cho đến nay đều là các doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường. Việc áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại theo yêu cầu của các doanh nghiệp này có thể gây ra thiệt hại, ảnh hưởng bất lợi đến nhiều nhóm khác trong thị trường. Mặc dù dự thảo có quy định về nội dung này như một yếu tố của nội dung điều tra, chống bán phá giá, chống trợ cấp, nhưng việc không đưa vấn đề này vào điều kiện áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại sẽ khiến cho nội dung điều tra về vấn đề này không còn ý nghĩa, đại biểu Toản cho hay.

Kiểm soát chặt chất lượng hàng nhập khẩu

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) cho biết, hoạt động ngoại thương trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay còn nhiều tồn tại, nhiều lực cản và chưa đáp ứng được yêu cầu về xuất khẩu hàng hóa. Việc quản lý và điều hành xuất khẩu còn một số vấn đề bất cập, không tạo tăng sức cạnh tranh trong vấn đề xuất khẩu.

Về nhập khẩu hàng hóa, chưa kiểm soát kịp thời được kim ngạch nhập khẩu một cách cập nhật theo từng mặt hàng và khả năng ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp và các ngành liên quan trong nước. Việc kiểm soát chất lượng hàng nhập khẩu, nhất là hàng xuất xứ từ Trung Quốc chưa chặt chẽ, vấn đề phản ứng còn chậm và chưa kịp thời, khả năng vấn đề bán phá giá hoặc vấn đề trợ cấp mặt hàng nhập khẩu vào thị trường Việt Nam.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết

Do đó, theo bà Tuyết, Luật quản lý ngoại thương phải dựa trên vấn đề thực hiện cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại, đồng thời phải là công cụ tự vệ thương mại, tác động có hiệu quả đến vấn đề xuất nhập khẩu hàng hóa, hoạt động xúc tiến thị trường, đồng thời phải kiểm soát được thâm hụt thương mại hàng hóa, thâm hụt cán cân vãng lai và giúp cho người dân không phải tiêu dùng những sản phẩm độc hại, giúp cho doanh nghiệp không phải gánh chịu sự cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp nước ngoài ngay trên thị trường nội địa.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị, phải quy định giải quyết tranh chấp và các biện pháp quản lý ngoại thương cũng như các biện pháp chính sách liên quan chặt chẽ hơn. Chính phủ vừa ban hành biểu thuế ưu đãi đặc biệt với  hàng nhập vào Việt Nam theo hiệp định ASEAN – Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu sẽ tràn ngập, cần tránh hàng hóa Trung Quốc không rõ nguồn gốc tràn vào vào.

Đại biểu Nguyễn Vân Chi

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Vân Chi (đoàn Nghệ An), nêu tình trạng gần đây xảy ra tình trạng thương nhân nước ngoài thu gom hàng xuất khẩu, cảnh tranh không lành mạnh với trong nước, thu mua hàng hóa phi thương mại ảnh hưởng đến kinh xã hội, việc họ không có hiện diện thương mại tại Việt Nam. Đại biểu này đề nghị đánh giá toàn diện hơn về sự hiện diện của thương nhân nước ngoài./.