Giải thích rõ hơn về điều này, ông Trần Quốc Khánh cho biết, về nguyên tắc, Hiệp định TPP có hiệu lực trong vòng 60 ngày sau khi tất cả các nước thông báo với New Zealand (nước lưu chiểu văn bản) về việc hoàn thành các thủ tục pháp lý trong nước về phê chuẩn Hiệp định TPP.

Nếu không đạt được toàn bộ các nước tham gia đàm phán TPP đều thông qua Hiệp định này thì trong vòng 2 năm kể từ ngày ký Hiệp định (4/2/2016), TPP sẽ có hiệu lực trong vòng 20 ngày kể từ khi hết thời hạn 2 năm mà có ít nhất 6 nước, chiếm nhất 85% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của tổng các nước tham gia đàm phán TPP (theo giá trị năm 2013), hoàn thành các thủ tục pháp lý trong thời gian này. Đặc biệt, vì Hoa Kỳ có tỷ lệ GDP lớn nhất trong số 12 nước tham gia đàm phán TPP. Nếu Hoa Kỳ không phê chuẩn TPP, dù 11 nước còn lại phê chuẩn thì Hiệp định này sẽ không có hiệu lực.

Ông Khánh còn thông tin thêm: Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) của Hoa Kỳ đang đánh giá Hiệp định này theo TPA. Chính phủ nước này đang tham vấn với Quốc hội và đang tính toán thời điểm trình Quốc hội, hiện chưa biết thời gian cụ thể.

Liên quan đến tiến trình hoàn thành các thủ tục pháp lý thông qua TPP tại các nước đàm phán TPP, ông Khánh cho biết: Tới thời điểm này, Brunei đang rà soát văn bản pháp lý liên quan và dự kiến trình Quốc hội phê chuẩn vào quý 3/2016. Australia đã trình Quốc hội để tiến hành thủ tục phê chuẩn, nhưng còn chờ Chính phủ mới. Canada cũng đang tham vấn công chúng, dự kiến trình Quốc hội cuối năm 2016. Chile dự kiến trình Quốc hội thông qua cuối năm 2016. Nhật Bản cũng trình Quốc hội rồi, nhưng do có 1 số sự kiện nên Chính phủ Nhật Bản chưa bảo vệ được, dự kiến phải đến mùa thu năm 2016 mới xem xét thông qua. Malaysia đã trình và Quốc hội cho phép ký TPP, hiện đang hoàn thiện các luật cần sửa đổi sau đó sẽ chính thức công bố thời điểm phê chuẩn TPP.

Mexico đã trình Quốc, dự kiến thông qua tháng 12/2016, New Zealand cũng dự kiến cuối năm 2016 trình Quốc hội phê chuẩn. Peru đang tiến hành các thủ tục pháp lý, chưa có thông tin về việc trình Quốc hội. Singapore dự kiến Quốc hội thông qua cuối năm 2016.

Việt Nam đã và đang tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, từ sau khi kết thúc đàm phán, Việt Nam có 60 ngày chuẩn bị để Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét phê chuẩn hiệp định. Với Việt Nam thì Chủ tịch nước có quyền phê chuẩn Hiệp định TPP. Nếu cần thì Chủ tịch nước mới trình ra Quốc hội phê chuẩn hiệp định. Trong trường hợp TPP này, nhiều khả năng Chủ tịch nước sẽ trình Quốc hội phê chuẩn. Dự kiến, Hiệp định TPP sẽ được trình Quốc hội phê chuẩn tại kỳ họp quốc hội tới đây, bắt đầu từ 20/7/2016./.