Hôm nay, Cơ quan thống kê Australia công báo số liệu cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này tăng 3,1% trong quý 4 năm ngoái. Trước đó, vào quý 3 năm ngoái, GDP của Australia cũng tăng 3,4%. Và đây là lần đầu tiên trong 6 thập kỷ qua, GDP của Ausralia tăng hơn 3% trong 2 quý liên tiếp.
Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg khẳng định thực tế này cho thấy kế hoạch phục hồi kinh tế của Australia đang đi đúng hướng: “Nền kinh tế Australia đã khởi đầu năm 2021 với một thế mạnh mẽ. Xếp hạng tín nhiệm tín dụng của chúng ta vẫn duy trì ở mức AAA, thị trường lao động tiếp tục phục hồi với 94% trong tổng số 1,3 triệu người từng mất việc trong giai đoạn đại dịch đã có việc làm trở lại. Đầu tư của các doanh nghiệp cũng tăng khi mà chính phủ thúc các chương trình xây dựng nhà ở cũng như các chương trình khác”.
Các động lực chính dẫn đến sự phục hồi ấn tượng của nền kinh tế Australia đó chính là khoản hỗ trợ lên tới 11,9 tỷ AUD cho chương trình “Giữ việc làm” và thúc đẩy chi tiêu của chính phủ nước này.
Victoria, bang đông nhân thứ hai tại Australia dỡ bỏ phong tỏa cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho chi tiêu của các hộ gia đình tăng 4,3%. Trong đó, chi tiêu cho hàng hóa tăng 2,8% trong khi chi tiêu cho các ngành dịch vụ tăng 5,2%.
Ngoài ra, do điều kiện khí hậu thuận lợi nên ngành nông nghiệp Australia cũng có mức tăng trưởng cao trong Quý IV/2020 với tổng giá trị của ngành nông nghiệp tăng 26,8%. Thực tế này đã thúc đẩy hoạt động mua bán nông sản, vận tải và đặc biệt xuất khẩu nông sản tăng tới 23,5%.
Không chỉ tăng trưởng tốt, điều đáng mừng đó là khi sự hỗ trợ của chính phủ giảm một nửa, nền kinh tế vẫn tăng trưởng ấn tượng ở mức 3,1% và 2,1 triệu người không cần nhận hỗ trợ của chính phủ trong khuôn khổ chương trình “giữ việc làm”. Thực tế này chứng tỏ lĩnh vực kinh tế tư nhân đã bắt đầu tự đứng trên đôi chân của mình.
Mặc dù xuất hiện nhiều dấu hiệu tích cực song mức tăng GDP vẫn ít hơn so với năm 2019, giai đoạn trước khi xảy ra đại dịch là 5,6 tỷ AUD. Bên cạnh đó cũng không thể phủ nhận rằng đóng góp chính vào sự tăng trưởng GDP hiện nay vẫn là các gói hỗ trợ của chính phủ. Vì thế nếu Australia ngừng chương trình hỗ trợ “Giữ việc làm” vào cuối tháng này thì có thể Australia sẽ không còn tăng trưởng như trong 2 quý vừa qua nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp khiến cho nền kinh tế chưa thể hoạt động trở lại hoàn toàn. Lo ngại này là hoàn toàn có cơ sở khi mặc dù GDP tăng song hoạt động kinh tế vẫn giảm 1,1% so với cùng kỳ năm trước.
Chính vì vậy, ông Craig James, nhà kinh tế trưởng của công ty môi giới chứng khoán thuộc ngân hàng Commonwealth cho rằng cho dù nền kinh tế đang tăng trưởng tốt song các biện pháp hỗ trợ và các gói kích thích của chính phủ vẫn là rất cần thiết vào giai đoạn hiện nay./.