Tuyên bố này một lần nữa chứng tỏ Washington sẽ không chấp nhận hạ nhiệt trong cuộc đối đầu thương mại ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh. Mỹ có thể có động thái tiếp theo nhằm gây sức ép buộc Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền trên kênh truyền hình Fox News hôm qua (11/10), Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh các biện pháp áp thuế nhằm vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã có tác động lớn đối với nền kinh tế thứ 2 thế giới.
“Nền kinh tế Trung Quốc về cơ bản đã bị suy giảm. Hiện tôi có rất nhiều thứ có thể làm để gây áp lực hơn nữa với Trung Quốc song tôi không muốn làm như vậy. Tất nhiên, để điều đó không xảy ra khi Trung Quốc phải ngồi vào bàn đàm phán. Mặc dù hiện Trung Quốc muốn đàm phán song tôi không tin họ đã sẵn sàng” – ông Trump nói.
Mỹ để ngỏ khả năng tiến hành thêm nhiều biện pháp nữa khiến nền kinh tế Trung Quốc chịu thiệt hại hơn. (Ảnh: AP) |
Ông Donald Trump còn đổ lỗi cho những người tiền nhiệm vì đã cho phép Trung Quốc theo đuổi các hành vi thương mại không công bằng, đồng thời nhấn mạnh điều đó đã kết thúc.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Bộ Năng lượng Mỹ cho biết đang tăng cường kiểm soát các hoạt động nhập khẩu công nghệ hạt nhân dân sự của Trung Quốc. Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry nhấn mạnh, Mỹ không thể làm ngơ trước các vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia từ nỗ lực của Trung Quốc nhằm đạt được công nghệ hạt nhân ngoài khuôn khổ hợp tác hạt nhân dân sự giữa hai nước.
Với việc Washington liên tục tung ra các “cú đòn” nhằm triệt hạ Bắc Kinh về mặt kinh tế, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong đã mạnh mẽ chỉ trích Mỹ, khẳng định Washington đang tìm cách gây sức ép để các nước khác khác không ký kết các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Ông Cao Phong nhấn mạnh, một quốc gia không nên áp đặt suy nghĩ của mình với những nước khác.
Như vậy, thế đối đầu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện không chỉ dừng lại ở lĩnh vực thương mại, mà đã lan sang cả lĩnh vực quân sự, chính trị và mới nhất là hạt nhân.
Những biện pháp đáp trả thuế quan theo kiểu “ăn miếng, trả miềng” không chỉ gây suy giảm cho nền kinh tế Trung Quốc như tuyên bố của ông Donald Trump, mà còn khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ thiệt hại tới 1,4 tỷ USD mỗi tháng. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đã tác động đến sự tăng trưởng toàn cầu, gây tổn hại cho niềm tin của các thị trường và sẽ càng nghiêm trọng hơn nếu đối đầu thương mại Mỹ-Trung tiếp tục leo thang.
Phát biểu tại hội nghị hàng năm của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang diễn ra tại Bali, Indonesia, Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho rằng, "Những gì chúng tôi đang làm bây giờ là cố gắng tìm hiểu chính xác vị trí các nước khách hàng của chúng tôi trong chuỗi giá trị toàn cầu, đó là các nền kinh tế lớn hơn, đặc biệt là những nước đang ở giữa cuộc tranh chấp thương mại. Chúng tôi đang cố gắng làm mọi thứ có thể để tạo dựng khả năng phục hồi cho các nền kinh tế này theo bất kỳ chiều hướng nào mà các tranh chấp thương mại diễn ra."
Giới phân tích nhận định, với những gì đã và đang diễn ra, chỉ có cuộc đàm phán ở cấp cao nhất giữa Mỹ và Trung Quốc mới có hy vọng “hóa giải” cuộc đối đầu thương mại giữa hai nước. Tờ Tạp chí Wall Street số ra hôm qua (11/10) dẫn các nguồn tin cao cấp tại Mỹ và Trung Quốc, cho biết Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình có kế hoạch gặp nhau bên lề Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo 20 nền kinh tế mới phát triển và mới nổi (G20), sẽ được tổ chức tại Argentina vào cuối tháng 11 tới.
Việc nguyên thủ hai nước có chấp nhận nhượng bộ nhau trong cuộc đối đầu thương mại hay không còn phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử giữa kỳ diễn ra tại Mỹ vào ngày 06/11. Nếu đảng Cộng hòa tiếp tục kiểm soát cả hai viện Quốc hội Mỹ, nhiều khả năng ông Donald Trump sẽ tiếp tục thực thi các chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng không dễ nhượng bộ, bởi Bắc Kinh hiện có không ít vũ khí để đương đầu với Washington trong cuộc chiến thương mại và thứ vũ khí quan trọng nhất chính là 1.170 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ./.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: Cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy cải cách
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc có thể leo thang xa hơn