Ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu Việt Nam đặt mục tiêu đạt 9 tỷ USD trong năm 2018, trở thành một trong 7 ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, và đến năm 2025, con số này kỳ vọng đạt 25 tỷ USD.

Theo số liệu của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 9/2018 ước đạt 680 triệu USD, nâng trị giá xuất khẩu trong 9 tháng năm 2018 đạt 6,34 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ 9 tháng năm 2018 ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2017.

Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành gỗ nhận định, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ tiếp tục tăng trưởng khá vào những tháng cuối năm nay nhờ nhu cầu ổn định ở các thị trường. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ tác động đáng kể đến ngành gỗ Việt bởi cả Trung Quốc và Mỹ đều là thị trường quan trọng của xuất khẩu gỗ Việt Nam.

xk_go_zytf.jpg
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được dự báo sẽ tác động trực tiếp đến tình hình xuất khẩu ngành gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)
Theo TS. Tô Xuân Phúc, chuyên gia về lâm nghiệp và thương mại gỗ - cố vấn cao cấp của Forest Trends, ngành cao su có 2 nguồn cung là cao su đại điền và cao su tiểu điền. Lượng cao su tiểu điền cực kỳ lớn đang tham gia vào cung ứng cao su và sau này cao su tiểu điền sẽ trở thành nguồn cung gỗ rất quan trọng cho ngành gỗ.
 Số liệu thống kê cho thấy, lượng cung của cao su tiểu điền ra thị trường chiếm khoảng 61,1%. Lượng cung gỗ cao su tiểu điền đang nhỏ nhưng trong tương lai do diện tích cao su tiểu điền lớn hơn cao su đại điền nên lượng cung gỗ cũng sẽ là trở thành nguồn cung cực kỳ quan trọng. 

Đến nay, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành cao su vẫn là sản phẩm thô, với lượng cao su thiên nhiên xuất khẩu chiếm trên 80% tổng sản lượng xuất khẩu. Sản phẩm chế biến chỉ chiếm khoảng 17 – 18%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến lợi nhuận trong việc xuất khẩu các sản phẩm của ngành cao su Việt Nam. 

Ông Tô Xuân Phúc cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất chế biến và xuất khẩu cao su và mang về giá trị gia tăng cao nhất. Dường như các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chưa chú trọng đến điều này.

 Theo báo cáo của Forest Trends, trong 6 tháng đầu năm 2018, tổng lượng gỗ xẻ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ đạt khoảng 88.800 m3, thấp hơn nhiều so với con số 178.200 m3 trong cùng kỳ của năm 2017. Đặc biệt, lượng gỗ cao su xẻ xuất sang Trung Quốc giảm rất sâu, chỉ còn khoảng 2.500 m3, tương đương với trên 1% lượng xuất khẩu của cả năm 2017.

Ông Nguyễn Vinh Quang, chuyên gia của Forest Trends cho biết, sự sụt giảm đáng kể này có thể là phản ứng của các doanh nghiệp chế biến gỗ Trung Quốc khi các sản phẩm gỗ họ sản xuất gặp khó khi tiếp cận thị trường Mỹ (do mức thuế mới).

Bởi lẽ, các mặt hàng đồ gỗ nằm trong số hàng hóa của Trung Quốc bị Mỹ đánh thuế trong cuộc chiến thương mại giữa hai nước này. Với mức thuế mới từ 10-25% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ.

Tuy vậy, việc Mỹ đánh thuế cao với các mặt hàng gỗ của Trung Quốc có thể có lợi cho các doanh nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam. Hiện gần 50% trị giá đồ nội thất bằng gỗ của Mỹ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Với mức thuế mới sẽ khiến các nhà nhập khẩu của Mỹ hạn chế nhập khẩu đồ nội thất bằng gỗ từ Trung Quốc.

Để tránh rủi ro, có khả năng các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ chuyển hướng đơn hàng sang các khu vực khác trong khu vực Đông Nam Á như Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội đối với ngành nội thất Việt Nam.

Thực tế từ các doanh nghiệp cũng cho thấy rõ xu hướng này. Nhiều doanh nghiệp cho hay, các đơn hàng xuất khẩu vào Mỹ đang có xu hướng tăng lên trong thời gian gần đây.

Ông Điền Quang Hiệp, Chủ tịch Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA) cho biết, hiện các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam đang có cơ hội rất lớn trong việc tiếp cận với thị trường Mỹ.

Điều này được thể hiện qua lượng khách hàng Mỹ tìm đến doanh nghiệp Việt ngày càng tăng trong thời gian gần đây. Thay vì hợp tác với doanh nghiệp Trung Quốc như trước đây thì nay họ lại tìm kiếm, tiếp cận thông tin và thích làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Điệp cho hay, Mỹ là một thị trường đòi hỏi về tiêu chuẩn rõ ràng. Để tận dụng tốt cơ hội này buộc các doanh nghiệp không chỉ đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật mà phải am hiểu văn hoá tiêu dùng.

Mặt khác, bất kỳ một cơ hội lớn nào cũng luôn đi kèm rủi ro, thách thức tương ứng nên ngành gỗ Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong "sân chơi" này.

Khi đó, với đạo luật chống lẩn tránh thuế, Mỹ sẽ theo dõi vấn đề này. Trong trường hợp phát hiện ra doanh nghiệp Việt Nam “tiếp tay” thì sản phẩm gỗ Việt Nam sẽ bị áp đạo luật này với mức thuế tăng từ 10% trở lên.

Với thị phần xuất khẩu sang Mỹ chiếm đến 42,7% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản (số liệu năm 2017) và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành chế biến gỗ hiện nay thì việc bị áp thuế sẽ khiến ngành bị thiệt hại cực kỳ lớn. Do vậy, các doanh nghiệp gỗ cần phải có ý thức sâu sắc về vấn đề này, tránh để bị thiệt hại như ngành thép.

Tuy nhiên, cuộc chiến này có thể dẫn tới sự dịch chuyển trong đầu tư vào ngành chế biến gỗ của Việt Nam từ các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc và có thể dẫn đến những tác động tiêu cực đối với ngành gỗ của Việt Nam (đã xảy ra với ngành thép).

"Việt Nam hiện đang được thừa hưởng cơ hội vàng trong cuộc chiến này, vấn đề chúng ta có thật sự liên kết với nhau không, nếu có  khi đó cơ hội mới biến thành vàng còn không cơ hội sẽ chỉ có trên giấy mà thôi", Chủ tịch Hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương lưu ý./.