Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tới kinh tế Việt Nam theo hai hướng, thuận lợi và không thuận lợi.

Về những tác động không thuận lợi, theo ông Nguyễn Bích Lâm, thứ nhất, quy mô của cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hiện đã leo lên một nấc thang mới khi Tổng thống Donald Trump mở rộng lên số lượng hàng hoá giá trị 200 tỷ USD với thuế suất 10%. Trước đó, tổng giá trị hàng hóa của hai lần áp thuế lần lượt là 34 và 16 tỷ USD.

cuoc_chien_thuong_mai_my_trung_jyki.jpg
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tới kinh tế Việt Nam theo hai hướng, thuận lợi và không thuận lợi (Ảnh minh họa: KT)

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong giai đoạn ngắn hạn và với quy mô không mở rộng, kinh tế Việt Nam bị tác động rất ít. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ không mấy ảnh hưởng. Tuy nhiên, về lâu dài, nếu cuộc chiến tranh thương mại này kéo dài và mở rộng với nhiều chủng loại hàng hóa sẽ tác động lớn tới Việt Nam, bởi Việt Nam cũng đang tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Rủi ro thứ 2, theo ông Lâm, Việt Nam là nước đứng thứ 12 về quy mô xuất khẩu, thứ 5 về quy mô thương mại với Hoa Kỳ. Với chiều hướng và chính sách gia tăng bảo hộ của Mỹ hiện nay, rủi ro lớn nhất với Việt Nam là Mỹ sẽ đưa ra các rào cản về thuế, về kỹ thuật đối với các nước đang có thặng dư thương mại với Mỹ. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Mỹ như dệt may, điện tử, điện thoại… có thể là đối tượng bị nhắm đến.

Rủi ro thứ 3, xung đột thương mại Mỹ - Trung sẽ đẩy mạnh xu hướng chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các nhà đầu tư, trong đó có cả nhà đầu tư Trung Quốc sẽ không còn ở Trung Quốc nữa mà chuyển vốn đầu tư sang nước khác trong đó có Việt Nam.

“Điểm không thuận lợi là những dự án đầu công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường, những dự án có quy mô nhỏ sẽ dịch chuyển từ Trung Quốc. Chúng ta phải làm sao để ngăn chặn điều này. Hiện nay uy mô dự án FDI vào Việt Nam có quy mô ngày càng nhỏ, nhiều dự án vốn đầu tư khoảng 1 triệu USD. Thời gian tới, cần sàng lọc kỹ hơn dòng vốn FDI”, ông Lâm nhấn manh.

Về rủi ro thứ 4, ông Lâm cho rằng đó là rủi ro về gian lận thương mại khi hàng Trung Quốc tìm cách núp bóng hàng Việt Nam, dễ dẫn đến những rủi ro thương mại.

“Rủi ro thứ 5 là môi trường tài chính tiền tệ sẽ có những diễn biến không thuận lợi, dòng vốn đầu tư sẽ đảo chiều, thay đổi, tạo ra những rủi ro cho nền kinh tế Việt Nam”, ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Rủi ro thứ 6, theo đại diện Tổng cục Thống kê, là một số nước lớn như Trung Quốc sẽ đẩy mạnh liên kết song phương và khu vực để tập hợp lực lượng nhằm giảm thiểu tác động của xung đột. Vì thế, Việt Nam cũng phải tính toán, để có đủ điều kiện về kỹ thuật, về năng lực thì mới tham gia được cuộc chơi này.

Bên cạnh 6 rủi ro nêu trên, cuộc chiến thương mại này cũng có những tác động thuận lợi đến kinh tế Việt Nam.

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cuộcchiến thương mại này cho thấy chiến lược của Mỹ là kiềm chế Trung Quốc, đặc biệt là kiềm chế Trung Quốc đối với sản xuất nhóm hàng công nghệ cao. Mỹ đánh thuế cao đối với nhiều nhóm hàng công nghệ cao của Trung Quốc, không cho Trung Quốc thành công trong chiến lược Made in Chine. Nếu khai thác được điều này thì đây sẽ là thuận lợi cho chúng ta.

“Cuộcchiến thương mại Mỹ - Trung cũng như của một số nước lớn sẽ tạo động lực mạnh hơn trong triển khai liên kết kinh tế, đầu tư đa phương, đẩy mạnh hợp tác, đa phương hóa trong tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm của Việt Nam. Trong nhiều phiên họp gần đây, Chính phủ cũng đang kêu gọi đẩy mạnh mở rộng, tìm kiếm thị trường mới, đặc biệt là thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp, để tiêu thị các sản phẩm của Việt Nam”, ông Lâm nhận định.

Bên cạnh đó, qua chiến tranh thương mại, với xu hướng hợp tác đa phương sẽ thúc đẩy ký kết và triển khai Hiệp định CPTPP nhanh, điều này sẽ có lợi cho phát triển kinh tế, đặc biệt là thương mại của Việt Nam. Ngoài ra, Việt Nam có cơ hội thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng chúng ta có thế mạnh cạnh tranh vào Mỹ, thay thế Trung Quốc.

“Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tới kinh tế Việt Nam theo hai hướng, thuận lợi và không thuận lợi. Vấn đề là chúng ta xác định rõ những điều này, từ đó Chính phủ có giải pháp kịp thời để khắc phục những tồn tại và tận dụng những ưu thế của chiến tranh thương mại để phát triển đất nước”, ông Nguyễn Bích Lâm nói./.