Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tính chung 2 tháng đầu năm 2019, cả nước có 15.979 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới. Tuy có giảm về số DN đăng kí mới nhưng lại có 10.191 DN quay trở lại hoạt động, do vậy đã nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động lên gần 26.200 DN.

Mặc dù số DN có tăng lên trong 2 tháng đầu năm 2019, nhưng số DN hoàn tất thủ tục giải thể trong 2 tháng lại là 3.156 DN, tăng 24,8% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tập trung chủ yếu ở các lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy, công nghiệp chế biến, chế tạo, xây dựng…

Theo phản ảnh của nhiều chủ DN tư nhân, môi trường kinh doanh cho dù đã có những cải thiện nhất định, song vẫn tồn tại những rào cản ngầm, một trong số đó phải kể đến tình trạng phí bôi trơn vẫn còn tồn tại, hay tình trạng thanh, kiểm tra quá nhiều cũng khiến cho các DN khó hoạt động yên ổn.

vov_ocam_luzy.jpg
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS).

Cụ thể, theo chia sẻ của ông Nguyễn Minh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Sông Hồng (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), DN muốn yên ổn làm ăn, hàng năm vẫn phải dành riêng một khoản để “bôi trơn” ngành thuế, nếu không sẽ thường xuyên bị hỏi han và “soi mói”.

Hay vấn đề làm thủ tục xin giấy phép về đất đai cũng rất nan giải. Theo ông Cường, muốn nhanh thì phải bỏ tiền ra để làm các thủ tục, còn nếu không “chịu chi” thì DN coi như mất cơ hội, rất lâu mới đến lượt được giải quyết. Các DN cho rằng, chính những chi phí ngoài luồng hiện nay đang làm giảm sức cạnh tranh của DN, đó là chưa kể thái độ làm việc của các cán bộ cơ quan quản lý còn gây ra những rào cản, khoảng cách khiến DN ngại tiếp cận…

Cho rằng việc cắt bỏ các điều kiện kinh doanh của một số Bộ vẫn chưa thực chất, nhiều nơi mới chỉ là “đơn giản hóa”, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương - CIEM) nhận định, số điều kiện kinh doanh được tháo gỡ, cắt giảm chưa nhiều, thậm chí có một số điều kiện kinh doanh sau sửa đổi còn gây thêm khó khăn hơn cho DN.

“Vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho DN. Đáng chú ý, số chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực (nhất là trong lĩnh vực xây dựng); nhiều quy định được sửa đổi lại phát sinh thêm số lượng lớn thủ tục, hồ sơ so với quy định trước”, bà Thảo cho biết.

Còn nhiều rào cản cần tháo gỡ

Giới chuyên gia kinh tế nhận định, với đường lối và chính sách đúng đắn của Chính phủ, môi trường kinh doanh của Việt Nam một vài năm qua đã trở nên thuận lợi hơn. Nhiều rào cản, điều kiện kinh doanh phi lý, không cần thiết đã được gỡ bỏ, tạo thuận lợi hơn cho DN phát triển. Đặc biệt, khi các thủ tục đã được công khai và trực tuyến, các DN đã tiết kiệm được nhiều hơn thời gian cũng như chi phí… Tuy nhiên, trong năm 2019 này, các rào cản vẫn cần tiếp tục phải được tháo gỡ.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, việc tính thuế đối với các DN nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may vẫn bộc lộ sự thiếu công bằng. Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã gửi văn bản lên Tổng cục Hải quan kiến nghị về việc DN nhập nguyên phụ liệu về để sản xuất kinh doanh, nhưng khi không đủ năng lực chuyển nguyên phụ liệu sang gia công lại ở DN khác thì không được miễn thuế. Trong khi đó, với những đơn hàng gia công lại được miễn thuế.

“Ở đây có sự thiếu công bằng giữa các DN nhận đơn hàng gia công và các DN nhập nguyên phụ liệu về để gia công. Việc này Hiệp hội đã kiến nghị từ năm 2016 đến nay vẫn chưa thấy có chuyển biến”, ông Cẩm kiến nghị.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, cần phải tập trung vào các giải pháp giảm chi phí cho DN. Những chi phí rườm rà, ngoài luồng, các loại phí bôi trơn… cần phải được triệt tiêu vì chính những chi phí này kéo giảm sức cạnh tranh của DN. Đáng chú ý, các loại chi phí về giao thông vận tải, logistics, các loại thủ tục xuất nhập khẩu chuyên ngành đang là những gánh nặng trên vai các DN rất cần được nhà quản lý tháo gỡ.

Để việc cắt giảm điều kiện kinh doanh thực chất và hiệu quả hơn, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, với mục tiêu cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm cải thiện môi trường kinh doanh tạo động lực phát triển cho DN, từ đó thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nước nhà, vai trò của các Bộ trưởng là rất quan trọng. Số lượng điều kiện kinh doanh giảm nhiều hay ít, giảm có thực chất hay không, phụ thuộc rất nhiều vào người đứng đầu các Bộ, ngành.

Bên cạnh đó, bản thân các DN cũng cần nâng cao nội lực để có thể đứng vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt, không nên chỉ trông chờ vào chính sách, hỗ trợ của nhà quản lý mà cần phải chủ động đầu tư cải tiến thiết bị sản xuất, công nghệ hóa, hiện đại hóa máy móc, mạnh dạn từ bỏ các thiết bị lạc hậu, song song với đó là nỗ lực nâng cao khả năng quản trị để sản xuất kinh doanh hiệu quả và bền vững./.