Sáng nay (6/12), tại Hà Nội, Bộ NN&PTNT phối hợp Bộ KH&CN tổ chức hội thảo khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đến dự hội thảo.

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đầu tư phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật phục vụ nông nghiệp. Nhiều kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ về giống, chế phẩm sinh học, quy trình công nghệ mới đã được chuyển giao áp dụng hiệu quả vào sản xuất, góp phần nâng cao vị thế hàng nông sản Việt Nam trên thế giới…

Mặc dù vậy, trình độ khoa học và công nghệ nông nghiệp hiện còn thấp và chậm phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu là nền tảng và động lực phát triển kinh tế - xã hội.

hoi_thao_nn_lnwt.jpg Hội thảo khoa học và công nghệ phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.
Trong giai đoạn 2008-2013, tổng kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp cho Bộ NN&PTNT khoảng 4.000 tỷ đồng, nhưng có tới 32% chi cho lương và hoạt động bộ máy. Nghiên cứu còn phân tán, thiếu tính đột phá và tính ứng dụng không cao. So với các nước trong khu vực, các công trình nghiên cứu cơ bản của Việt Nam có chất lượng thấp chỉ bằng 1/3 so với Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/6 của Singapore…

Cả nước hiện có hơn 33.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó trên 93% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, mức đầu tư cho đổi mới công nghệ chiếm tỷ lệ nhỏ trên tổng số doanh thu, hầu hết các doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng…

Các đại biểu đề xuất, để khoa học công nghệ trở thành yếu tố chính giúp tăng năng suất, giảm giá thành và nâng cao hiệu quả của các ngành sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, cần thúc đẩy việc nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng sâu rộng khoa học công nghệ.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, khoa học và công nghệ được xác định là một trong những khâu đột phá phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, có vai trò lớn trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh và duy trì tốc độ tăng trưởng của ngành.

“Động lực mới cho sự phát triển khoa học công nghệ nông nghiệp không thể chỉ chờ vào Nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa, cần phải được tìm kiếm trong đổi mới chính sách về khoa học công nghệ, khuyến khích các tổ chức của Nhà nước hoạt động có hiệu quả hơn. Đặc biệt phải thu hút và khuyến khích doanh nghiệp chủ động tham gia mạnh mẽ hơn vào nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, liên kết chặt chẽ hơn giữa các viện, trường, trung tâm khuyến nông với các doanh nghiệp và Nhà nước phải làm tốt hơn vai trò của “nhà kiến tạo"", Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ rõ./.