Thảo luận tại tổ chiều 18/11, góp ý về dự thảo Luật phá sản, đa số Đại biểu đều tán thành việc sửa đổi luật cho phù hợp với thực tiễn, bởi luật này gắn bó mật thiết với nền kinh tế thị trường. Luật phá sản sẽ tạo hành lang pháp lý để những DN không còn đáp ứng đủ điều kiện bước ra khỏi thị trường một cách hợp pháp.
Tuy nhiên, nhiều ĐB nêu ý kiến, việc mở rộng đối tượng áp dụng Luật Phá sản bảo gồm cả các hộ sản xuất cá thể và các định chế giáo dục là chưa cần thiết mà chỉ cần áp dụng với đối tượng là DN và hợp tác xã là đủ. Với các đối tượng còn lại, chỉ cần quy định xin giải thể và thanh lý tất cả các nghĩa vụ tồn đọng là phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) góp ý, cần bổ sung các công ty tài chính, bảo hiểm, ngân hàng thuộc đối tượng áp dụng luật phá sản. Bởi những đối tượng này khi phá sản nếu không được giám sát chặt chẽ sẽ gây ra những phản ứng dây chuyền tiêu cực, tác động xấu đến nền kinh tế.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) cho rằng, nên mở rộng đối tượng điều chỉnh vì hiện nay các loại hình kinh doanh đã mở rộng.Tín dụng NH cũng xếp các đối tượng này vào diện DN. Thực tế, có một số không phải DN nhưng phát sinh công nợ rất nhiều. Trong cơ chế thị trường, các loại hình này là vì lợi nhuận. Có hộ kinh doanh có vốn lên tới hàng chục tỷ đồng nhưng có khi một HTX qui mô vốn lại không bằng.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa đồng tình ý kiến nên mở rộng đối tượng điều chỉnh để tạo điều kiện pháp lý cho các đối tượng liên quan đến các khoản nợ. Chúng ta trao quyền không chỉ cho các DN, HTX, hộ kinh doanh được rút lui khỏi cuộc chơi mà còn đặt quyền cho các chủ nợ đưa anh ra trước pháp luật khi anh không còn đủ năng lực tham gia cuộc chơi.
“Nếu bình thường không có sự can thiệp của cơ quan pháp lý thì không thể thúc đẩy quá trình này thực hiện nhanh hơn. Việc đưa vào đây cũng như sự cảnh báo để các chủ DN nếu không thực thi nhiệm vụ thanh toán thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín DN. Vì thế nên mở rộng đối tượng áp dụng” - đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa nói.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng, cần mở rộng để tạo sân chơi bình đẳng cho các chủ thể đăng ký kinh doanh ngoài doanh nghiệp và hợp tác xã. Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường đề nghị bổ sung và mở rộng đối tượng để mọi đối tượng kinh doanh đều bị điều chỉnh của luật này. Bởi vì trong hoạt động sản xuất kinh doanh rõ ràng có vay nợ, và khi vay nợ không thể trả sẽ bị phá sản. Việc mở rộng đối tượng, đại biểu Hường cho rằng sẽ đảm bảo minh bạch, rõ ràng, phù hợp với chuẩn mực quốc tế và yêu cầu hội nhập.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, trong điều kiện hiện nay chưa cần thiết phải mở rộng đối tượng điều chỉnh. Đại diện cho quan điểm này, đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP HCM) cho rằng chỉ cần điều chỉnh DN và HTX là đủ. Còn các đối tượng kia có cửa riêng là xin giải thể với điều kiện thanh lý tất cả các nghĩa vụ. Khu vực cá thể chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản, với nhiều nguồn vay. Trong khi chúng ta lại chưa kiểm soát được dòng tiền, tài sản. “Coi chừng người ta lừa đảo vay mượn tùm lum rồi tuyên bố phá sản” – đại biểu Trần Du Lịch nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, đối tượng áp dụng chỉ nên là doanh nghiệp và hợp tác xã để đảm bảo quản lý nhà nước trong bối cảnh kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế và phù hợp với điều kiện Việt Nam hiện nay.
Về điều kiện phá sản, Dự thảo quy định, doanh nghiệp, hợp tác xã nợ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian ba tháng không thể trả nợ thì buộc phải phá sản. Nhiều đại biểu cho rằng, quy định như vậy là không phù hợp với thực tế.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đặt vấn đề: Qui định như vậy ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và kinh tế. Trong điều kiện hiện nay, có doanh nghiệp nào mà vốn tự có đủ để kinh doanh mà không đi vay. Có đến 80% nguồn vốn đó là vốn vay. Nếu mà cứ đến hạn 3 tháng mà có 200 triệu không thể trả thì phần lớn doanh nghiệp sẽ phá sản.
Cùng chung băn khoăn này, đại biểu Đặng Thành Tâm (đoàn TP HCM) cho rằng, không nên qui định một mức cứng nhắc như vậy mà nên căn cứ vào tỷ lệ vốn của DN. Có thể là 20-30% tổng số vốn đăng ký kinh doanh của DN.
Phá sản là chuyện bình thường
Góp ý vào dự thảo, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) cho rằng, trong thời kỳ phát triển kinh tế, việc thành lập doanh nghiệp hay phá sản doanh nghiệp là điều bình thường. Tuy nhiên, dự thảo sửa đổi cần đơn giản các quy định, trình tự thủ tục phá sản nhằm khắc phục những bất cập của luật hiện hành.
Theo thống kê của toàn ngành Tòa án, trong 10 năm thụ lý 336 đơn xin phá sản và thụ lý được 80 vụ phá sản. Về con số này, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng, mỗi năm có khoảng 50.000 DN ngừng hoạt động hoặc giải thể thế nhưng do luật của chúng ta qui định chưa chặt chẽ nên DN không làm thủ tục phá sản cũng chẳng sao. Bên cạnh đó, “Luật đăng ký Kinh doanh hiện nay quá dễ dàng nên khi chưa làm thủ tục khai tử đã sinh ra cái mới. Đúng ra, hai Luật này phải gắn liền với nhau” – đại biểu Trần Hoàng Ngân nói.
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng lưu ý tới cụm từ liên quan đến việc giải quyết phá sản, nếu có tranh chấp thì không giải quyết phá sản. Đại biểu đưa ra tình huống, nếu lúc ấy DN không muốn phá sản cố tình tạo ra tranh chấp, thậm chí còn khởi kiện để có tranh chấp thì sao? “Vì thế, chữ tranh chấp này có thể hiểu vô cùng nhiều tình huống. Trong Luật chỉ cần qui định “có chứng cớ rõ ràng” – đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói./.