Tại hội thảo "CEO và đa dạng hóa trong chiến lược kinh doanh” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo vừa tổ chức chiều 4/5, các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp nhận định, trước sức mạnh của nhà đầu tư nước ngoài hay các tập đoàn lớn trong nước, những doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) không thể cạnh tranh trong cuộc đua giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, DN cần thay đổi chiến lược kinh doanh, tăng tính cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, tận dụng mạng lưới bán hàng, hạn chế các điểm yếu trong hoạt động kinh doanh cho DN. Đồng thời, thúc đẩy việc liên minh, liên kết các doanh nghiệp là cần thiết nhằm trụ vững, sống sót và phát triển đang được đặt ưu tiên hàng đầu.
Sức ép lên doanh nghiệp đang tăng
Chuyên gia kinh tế cao cấp Phạm Chi Lan cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là DNVVN đang tồn tại trong một thế giới thay đổi nhanh, mạnh, sâu chưa từng có, sức ép cạnh tranh tăng lên. Những sức ép đó, bà Lan chỉ ra là: Cạnh tranh trên thị trường nội địa ngày càng gay gắt. Nguy cơ bị lấn sân nhà tăng lên với số lớn DN, trên mọi mảng thị trường, đặc biệt từ Trung Quốc. Có sự cạnh tranh quyết liệt hơn tại Đông Nam Á và Đông Á khi các cam kết mới trong khu vực được thực hiện và mở rộng. Việt Nam không dễ thay đổi vị thế trong khu vực.
Bà Phạm Chi Lan phát biểu tại Hội thảo |
Hơn nữa, theo bà Lan, việc sáp nhập và mua lại DN (M&A) diễn ra trong nhiều lĩnh vực, giữa các DN Việt Nam với nhau và với DN FDI. Các công ty đa quốc gia và DN FDI điều chỉnh chiến lược cạnh tranh ở Việt Nam và khu vực, dịch chuyển mạnh và nhanh. DN Việt Nam cũng ở thế bất lợi do môi trường kinh doanh chậm cải thiện, năng lực cạnh tranh thấp, bối cảnh kinh tế vĩ mô khó khăn.
Đã thế, con đường phía trước còn nhiều thách thức khi kinh tế vĩ mô còn bất ổn trước mắt, dự báo tăng trưởng thấp trong năm 2013. Nhiều vấn đề dài hạn cũng chưa thể sớm giải quyết. Trong khi “Nhà nước muốn gỡ khó cho DN nhưng không dễ thực hiện”- bà Lan nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, khi kinh tế thế giới cải thiện chậm, một số nước sẽ có sự thay đổi chính sách. Điều này khiến việc huy động vốn cho đầu tư của nền kinh tế và DN tiếp tục khó hơn. Sức ép cạnh tranh tăng lên với sự đổ bộ của các DN và hàng hóa nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc và ASEAN.
Trong khi đó, bản thân các DN phải tự tái cơ cấu, điều chỉnh chiến lược cạnh tranh, tự vượt khó để tồn tại và thích ứng với những đòi hỏi mới. Nhưng nguồn lực các mặt lại có hạn, tương lai chưa chắc chắn, niềm tin thấp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với ngân hàng, doanh nghiệp với nhà nước.
Còn sĩ diện, DN còn... chết
Chính vì những thách thức nêu trên, theo bà Lan, các doanh nghiệp cần có những cân nhắc sáng suốt để đưa ra quyết định điều chỉnh chiến lược cho phù hợp thực tiễn. Chiến lược đó phải hướng đến tương lai. Nó đòi hỏi phải có nguồn lực (thời gian, con người, tiền bạc) lớn hơn và lâu dài hơn. Đặc biệt là cần một tư duy chiến lược và năng lực của người lãnh đạo phù hợp.
Song song với đó, DN cần tập trung vào môi trường bên ngoài để xem xét chiều hướng thay đổi, với những cơ hội/rủi ro và tìm kiếm sự tương tác giữa bên trong và bên ngoài. DN cần được nhìn nhận, đánh giá toàn diện. DN cũng cần thông tin rộng và sâu; cần kết hợp phân tích định lượng và định tính cùng với sự nỗ lực vượt bậc, khác thường để vượt qua khó khăn và vươn lên.
Do vậy, muốn vươn lên, các DN phải biết lượng sức mình. Theo ông Đoàn, nếu DN không chữa bệnh sĩ diện, thích hoành tráng trước, thì còn “chết”. Bởi hiện nay, căn bệnh này biểu hiện là năng lực quản lý, điều hành, tài chính... có hạn nhưng thích làm lớn, với những dự án to cho oai, nhưng vượt sức của mình. Điều này khiến phân tán nguồn lực, lãng phí, tốn kém... và dẫn đến thua lỗ, thậm chí phá sản.
Bằng kinh nghiệm bản thân, ông Đoàn đưa ra lời khuyên các DNVVN đặt ra chiến lược phát triển DN thông qua việc tăng quy mô và tăng doanh số trên cơ sở của 4 yếu tố chính là: Tìm cách tăng doanh thu; Tăng số lượng nhân viên; Đầu tư PR và tăng chất lượng sản phẩm. Đồng thời, cần luôn đổi mới trong hoạt động kinh doanh. Sự đổi mới này, đơn cử, nếu cứ mãi giữ một mẫu mã sản phẩm là không nên. Tư duy người quản lý cũng phải đổi mới hợp thời, hợp xu thế.
Trong khi năng lực có hạn, ông Đoàn khuyên DN cần tập trung phát triển đúng theo ngành nghề cốt lõi của mình, không nên tham mở rộng ngành nghề “tay trái”. Sau đó, DN lớn lên thì bành trướng, mở rộng thị trường sau.
Ông Đoàn lấy ví dụ: Nếu DN đang kinh doanh bánh đậu xanh, không nên làm thêm các sản phẩm khác mà nên tập trung phát triển bằng cách đổi mới sản phẩm bánh đậu xanh, tăng nhân viên, mở rộng thị trường.
Muốn thế, các DN cần tránh cạnh tranh trực tiếp, nội bộ; tập trung vào các thế mạnh với những kế hoạch dài hạn. Cần chuẩn bị nguồn nhân lực và tài chính phù hợp. Hơn nữa, DN phải tham khảo mô hình thành công chung của DN các nước xung quanh để chắt lọc bài học cho mình.
Ông Đoàn đặc biệt lưu ý các DN, nhất là người đứng đầu cần không ngừng học hỏi nâng cao trình độ, giữ uy tín trên thị trường, và DN phải biết hợp tác cùng có lợi, biết “dựa” vào các công ty, tập đoàn lớn hơn để phát triển thương hiệu, tham gia chuỗi kinh doanh của họ./.