Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh trước Quốc hội sáng nay (15/11), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) đặt vấn đề: Việc bán hàng đa cấp gây thất thoát lớn. Trách nhiệm của Bộ Công Thương đến đâu trong việc quản lý kinh doanh đa cấp khiến lĩnh vực này bị biến tướng?

nguyen_ngoc_phuong_nxmy.jpg
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải đáp: Bán hàng đa cấp có sức hút lớn đối với người dân do nó hướng vào lợi nhuận siêu khủng, biến tướng của đa cấp thành kinh doanh tài chính, kinh doanh ảo.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, bán hàng đa cấp được cấp phép khi Việt Nam là thành viên của WTO. Bán hàng đa cấp được thực hiện theo các văn bản quy định được ban hành từ trước năm 2014, đã được điều chỉnh, bổ sung theo hướng chặt chẽ hơn, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập.

Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh

Thứ nhất, pháp lý chưa đầy đủ và hoàn thiện. Thứ hai là, công tác quản lý bán hàng đa cấp chưa thực sự đảm bảo và chưa có sự phân công rạch ròi. Quản lý bán hàng đa cấp được phân cấp cho chính quyền địa phương và Sở Công thương các tỉnh.

Bên cạnh đó, bán hàng đa cấp có sức hút hấp dẫn với người dân do có những hành vi cố tình tuyên truyền làm sai lạc bán hàng đa cấp, hướng vào lợi nhuận siêu khủng để thu hút người tham gia. Việc chính những người tham gia bán hàng đa cấp tự làm biến tướng nó thành kinh doanh tài chính, kinh doanh ảo khiến nguy cơ mất tài sản xã hội là rất lớn, ông Trần Tuấn Anh nêu rõ.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, từ cuối năm 2014, đầu năm 2015 đã nhận thấy những vấn đề này và đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh đa cấp. Phát hiện hàng loạt doanh nghiệp ngoài việc không chấp hành pháp luật, đầu năm 2016, Bộ Công Thương đã xây dựng 2 chỉ thị để trăng cường kiểm tra, phối hợp với các địa phương. Kết quả là 25/67 doanh nghiệp bán hàng đa cấp vi phạm đã bị tước giấy phép; xử phạt hơn 14 doanh nghiệp đồng thời kiến nghị sửa đổi Nghị định 42 để quản lý hoạt động bán hàng đa cấp được chặt chẽ hơn.

Một số doanh nghiệp bán hàng đa cấp tổ chức hoạt động bán hàng nhưng không có trụ sở chính (Ảnh minh họa: KT)

Thời gian qua, hoạt động bán hàng đa cấp có nhiều biến tướng, ảnh hưởng đến người dân tham gia mạng lưới. Các vi phạm phổ biến gồm vi phạm của các doanh nghiệp đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp; vi phạm của các doanh nghiệp tuy có bán hàng theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc sử dụng phương thức đa cấp để kinh doanh dịch vụ hoặc huy động tài chính.

Tính đến đầu tháng 11/2016, Bộ Công Thương đã "xóa sổ" 25 công ty đa cấp. Hiện tại, số doanh nghiệp hoạt động chỉ còn 42 so với con số 67 công ty năm 2015. Trong số 25 doanh nghiệp bị xóa sổ có 14 công ty bị thu hồi giấy phép; 11 doanh nghiệp tạm ngừng và chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp./.